Tết này chắc con không về

Cầm điện thoại lên, lướt tới lướt lui rồi bỏ xuống, Thu Trang (27 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) thở dài: “Còn chưa biết dịch giã thế nào, đặt vé thì sợ không về được, mà không đặt thì sợ cận tết không còn vé. Tết, ai mà không muốn về nhà, nhưng tết này chưa biết tính làm sao luôn…”.
Chợ quê ngày tết trở thành nỗi nhớ của nhiều người con xa xứ
Chợ quê ngày tết trở thành nỗi nhớ của nhiều người con xa xứ

1. Quê ở Quảng Ngãi, Trang vào TPHCM học đại học rồi ở lại làm việc. Công việc của một nhân viên khai thác quảng cáo cũng bị ảnh hưởng thu nhập bởi mấy tháng liền thành phố giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Mua một tấm vé tàu về quê không phải là điều quá áp lực với Trang, nhưng về thế nào khi dịch vẫn còn.

“Gia đình tôi có một nhóm trò chuyện trên Zalo, ngày nào mọi người cũng cập nhật tình hình ở quê nhà, những quy định phòng chống dịch, rồi cách ly thế nào đối với người đến từ địa phương khác. Ba mẹ dặn coi theo thông tin đó rồi tính tết về hay không cũng được, ba mẹ không giận vì đang dịch mà. Gần 1 năm rồi, vì dịch mà tôi cũng chưa về thăm nhà được, chỉ nhìn ba mẹ qua những cuộc gọi video, nhớ mọi người lắm, nhưng phải nương theo tình hình thôi. Đi làm, xong việc là tôi vào mấy trang đặt vé tàu coi tới coi lui”, Trang trải lòng.

2. Câu chuyện của Trang không phải là điều hiếm hoi ở thành phố những ngày cuối năm này và có lẽ Trang vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, khi chuyện tiền nong, vé tàu không phải là trở ngại quá lớn. Mấy tháng liền thành phố giãn cách để chống dịch, hai vợ chồng anh Nguyễn Thế Đại (quê Cà Mau, ngụ huyện Bình Chánh) đành “buộc mình” trong căn nhà trọ.

“Làm công nhân mà, công ty tạm nghỉ thì mình cũng nghỉ thôi chứ xoay xở đằng nào nữa. Giãn cách xã hội, mạnh ai nấy ở nhà chống dịch, đâu có ai thuê mướn gì mà làm thêm được. Vợ chồng ráng ở lại thành phố kiếm chút tiền tăng ca sau dịch do hàng ùn ứ”, anh Đại chia sẻ.

Hỏi chuyện tết nhất, anh Đại cười rồi kể, tết ở quê anh vui lắm, miền Tây sông nước miệt vườn mà, nhưng tết này ngó bộ niềm vui không có anh rồi. Nhẩm tính lại tiền lương của hai vợ chồng, anh Đại kể: “Mới đi làm lại chưa đầy hai tháng, tiền ăn, tiền nhà rồi tiền gửi về quê để lo cho hai thằng nhỏ đang học cấp 3 cũng đủ mệt rồi. Về quê, ai mà không muốn, nhưng mới đi làm lại, tiết kiệm từng đồng thì tiền vé cho hai vợ chồng cũng bộn lắm, rồi chẳng lẽ mình về tay không, cũng phải có chút bánh mứt, chút tiền mừng tuổi người lớn hai bên gia đình chứ. Nên thôi, năm này ăn tết ở nhà trọ, vợ chồng gói ghém sau tết về cũng được”.

3. Người ta dẫu đi đâu xa mấy, thì tết ai cũng muốn trở về quê nhà, nhưng giữa lúc tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, niềm vui gia đình cũng được nhiều người tự ý thức gác lại vì an toàn chung. Còn bà mẹ già hơn 90 tuổi ở Nam Định, nhưng vợ chồng ông Trần Quốc Sơn (60 tuổi, ngụ quận 3) cũng đành gác lại chuyện về quê đón tết, thăm nhà.

“Năm nay nữa là hai năm, gia đình tôi đón tết trong này, dịch vẫn còn thế này, ngại chuyện đi lại lắm. Vì gia đình ở quê cũng có anh em tôi lo cho mẹ, nên vợ chồng tôi chỉ gửi quà rồi gọi điện thoại hỏi thăm thôi, chứ không có kế hoạch về”, ông Sơn kể.

Nhiều năm trước, không ít bạn trẻ chọn ở lại thành phố để làm thêm trong những ngày tết vì mức lương hấp dẫn, nhưng năm nay họ ở lại thành phố vì an toàn cho bản thân và gia đình. Vali đồ đạc đã xếp gọn từ một tháng trước để chuẩn bị về quê, khi nhà trường thông báo học online đến đầu năm sau; tính đi tính lại, rồi quyết định đón tết trong phòng trọ cùng đám bạn xa quê, Phan Hải Anh (21 tuổi, quê Sóc Trăng, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ: “Đọc báo rồi gọi điện thoại về quê cho ba mẹ, tình hình dịch ở quê tôi cũng đang căng thẳng, muốn về nhưng sợ đủ thứ, rủi lỡ không may tôi lại thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Còn cái điện thoại, gọi video để nhìn thấy mặt mọi người cũng đỡ nhớ rồi, lúc nào ổn thì về quê liền”.

Cùng phòng trọ với Hải Anh, Hoàng Phương (22 tuổi, quê Cà Mau) cũng vui vẻ đón tết xa nhà: “Mấy năm trước, tôi ở lại thành phố để làm thêm mấy bữa tết rồi mới về quê sau. Năm nay, vì dịch quá nên cũng ăn tết ở nhà trọ thôi, ưu tiên an toàn cho mình và gia đình trước, bao giờ tình hình ổn hơn thì về quê. Nói thiệt, sẽ nhớ lắm cái không khí tết quê, nhớ cái chợ quê nhỏ xíu xiu mà cái gì cũng có; nhớ nồi bánh tét của ngoại và nồi thịt kho hột vịt…”.

Những cái tết đoàn viên trong năm này, ít nhiều phải gác lại để ưu tiên phòng chống dịch, nhiều địa phương cũng đang siết chặt các quy định chống dịch… Vì thế mà chuyện về nhà của những người xa quê, lại thêm một đoạn buồn thăm thẳm. Và nếu nhìn ở một góc độ tích cực, có lẽ đợt dịch này cũng là ngoại lực đủ mạnh để mỗi người nhìn lại những giá trị thiêng liêng của gia đình, giá trị sum vầy của một ngày tết đoàn viên.

Tin cùng chuyên mục