Chào bạn! Mình đang ngồi canh nồi bánh chưng cùng mấy người bạn thì nhớ đến lời hứa viết cái gì đó cho bạn nhân dịp tết này. Chắc là viết vài dòng về không khí chuẩn bị tết của cộng đồng người Việt ở thành phố Oderberg miền Đông nước Đức.
Oderberg tuy nhỏ nhưng có đông người Việt. Những người ở lại sau sự kiện 1989 không nhiều, sau đó họ tìm cách đưa người thân sang nên cộng đồng ngày càng nở ra. Cũng có một số bạn sinh viên Việt Nam sang đây học. Người Việt ở đây chủ yếu làm hai nghề: buôn bán quần áo và kinh doanh nhà hàng. Mùa này đang là mùa đông, trời lạnh lắm. Người làm việc công sở thì ngồi trong nhà có lò sưởi ấm áp nhưng nhiều người Việt bán quần áo ngoài chợ từ sáng đến trưa nên tay chân lúc nào cũng tê cóng. Các chị phụ nữ đứng bán ở chợ như thế này chỉ chịu đựng giỏi lắm là 10 năm, sau đó đa số ai cũng bị đau khớp.
Chắc bạn ngạc nhiên khi mình viết “canh nồi bánh chưng”. Ở đây có thể lên Berlin để mua bánh chưng nhưng năm nay mấy gia đình bạn bè cùng góp lại nấu nồi bánh chưng hoành tráng. Bọn mình chỉ lên chợ Đồng Xuân ở Berlin để mua nếp, đậu, lá dong (lá dong đàng hoàng chứ không phải lá chuối nhé) và những thực phẩm đặc biệt trong dịp tết Việt Nam. Chợ này bán tất cả các mặt hàng thực phẩm ở Việt Nam. Có món họ nhập từ Việt Nam nhưng đa phần họ tự làm tại Berlin. Bạn có thể tìm thấy ở đây những món như bánh chưng, bánh dày… và cả bánh ướt.
Trong thời buổi Internet này, chúng mình có thể tự học cách làm bánh, nấu ăn được tất vì chỉ cần gõ vào Google là hàng trăm trang dạy nữ công gia chánh ở Việt Nam mở ra. Còn việc nêm nếm à, cứ nêm đến bao giờ các món ăn có hương vị như các bà mẹ từng nấu cho chúng mình ăn là tốt. Nhưng làm sao biết khi nào đạt hương vị đó? Thật đơn giản bởi trong mỗi người đều có ký ức về quê hương, về mẹ, đặc biệt ký ức về những món ngon mẹ đã nấu.
Viết đến đây mình nhớ nhà vô cùng. Hồi sáng ngồi gói bánh chưng, các chị lại kể chuyện nhà, chuyện ngày xưa (mà cũng có xưa lắm đâu) tết như thế nào: Trẻ con được may quần áo mới, rồi ngồi nhìn mẹ và chị gói bánh, làm bánh mứt mà nôn nao đến ngày tết để được mặc quần áo mới, được thưởng thức các món ngon, để được đi chơi dù đi bộ mấy cây số ra hội chợ làng. Trẻ con Việt Nam bên này đã được sắm quần áo mới từ tết dương lịch và thường chúng không được nghỉ dài ngày trong dịp tết Việt Nam. Chỉ có năm nay tết đến sớm nên kỳ nghỉ đông vẫn còn vì vậy chúng mới thong thả.
Dù nhiều gia đình cố gắng tạo một chút không khí tết Việt cho bọn trẻ nhưng có lẽ chúng vẫn thiệt thòi hơn chúng mình về khoản này. Vẫn chúc tết ba mẹ ngày mùng một, vẫn đi thăm viếng nhau, vẫn bánh chưng, vẫn dưa hấu đỏ … mà sao cứ nghèn nghẹn trong lòng. Vì vậy mấy năm nay, các gia đình có thu nhập khá đều về Việt Nam đón tết cho các cháu được hưởng trọn mùa xuân quê nhà.
Chắc vì không muốn mất gốc nên rất nhiều người Việt ở đây dù đã đủ điều kiện xin quốc tịch Đức nhưng họ không đăng ký mà vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam. Từ 1-7-2009, sau khi điều khoản cho phép người Việt Nam có quyền giữ quốc tịch Việt Nam dù đã có quốc tịch nước ngoài có hiệu lực thì một số người mới đăng ký nhập quốc tịch Đức.
Điều này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho cộng đồng người Việt vì có quốc tịch Đức họ sẽ được các khoản trợ cấp an sinh xã hội như người Đức. Nhưng quan trọng nhất, người Việt vẫn giữ được quốc tịch Việt Nam, vẫn mãi nhớ về tết ở quê hương, vẫn có thể gọi là “về nhà” khi mùa xuân đến.
Minh Hùng (từ Đức)