Thả tự do cho 4 tiếp viên hàng không mang ma túy có tạo tiền lệ xấu?

Chiều 30-3, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: THẢO LÊ
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: THẢO LÊ

Tại họp báo, phóng viên nêu vấn đề dư luận xã hội băn khoăn từ vụ 4 tiếp viên hàng không mang ma túy từ Pháp về Việt Nam được thả tự do sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Sau này, các đối tượng vận chuyển ma túy sẽ lấy lý do "không biết" để chối bỏ trách nhiệm.

Về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết tội phạm ma túy gây hậu quả rất lớn với con người và xã hội. Do đó, pháp luật quy định các hình thức xử phạt rất nghiêm khắc với loại tội phạm này, có nhiều tội danh đến mức tử hình. Vì vậy, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội.

Tuy nhiên theo ông Hà, dù dùng thủ đoạn nào thì bản chất các vụ án đều không thay đổi. Lực lượng điều tra phải có trách nhiệm làm rõ bản chất vụ án, không bỏ lọt tội phạm nhưng không để án oan.

Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can với 5 đối tượng cố tình gài ma túy vào trong xe, trong nhà hãm hại người khác. Cơ quan công an điều tra làm rõ, bắt đúng đối tượng.

“Điều đó cho thấy rằng bản chất vụ việc không gây thay đổi vụ án, trách nhiệm của cơ quan công an phải làm sáng tỏ bản chất này. Đối với vụ việc 4 tiếp viên hàng không mang ma túy, đã khởi tố vụ án và đang tiến hành điều tra, có kết quả điều tra sẽ thông tin”, ông Hà nói.

Thông tin thêm về tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để đảo chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết báo chí cũng phản ánh nhiều vụ việc mạo danh giáo viên, nhân viên y tế báo tin cho phụ huynh về việc học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu, từ đó chiếm đoạt.

Hoặc có tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bảo hiểm, nhân viên viễn thông… bịa đặt thông tin, hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ việc đang bị điều tra khiến nạn nhân hoang mang. Các đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền để đảm bảo hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tài sản.

“Lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác của cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại. Tuyệt đối không có lời lẽ hăm dọa, đe dọa hoặc gửi những tài liệu khởi tố, khởi kiện qua điện thoại. Nếu cơ quan chức năng mời làm việc sẽ gửi giấy mời thông qua chính quyền đoàn thể địa phương nơi công dân cư trú”, ông Hà thông tin.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, nhận thức các thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh. Theo đó, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu qua điện thoại.

Khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân nhanh chóng liên hệ với người thân xung quanh, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn, làm rõ. Đồng thời trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được nhận giải quyết.

Tin cùng chuyên mục