Thạch Thất, Hà Nội: Coi thường Luật Di sản văn hóa, nhà sư trụ trì rước tượng lạ về chùa

Thông tin việc sư trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, coi thường Luật Di sản văn hóa, tự ý di chuyển, thay đổi các pho tượng cổ trong chùa và đỉnh điểm là việc cho rước một pho tượng lạ về thờ tự đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trong những ngày qua, người dân Chàng Sơn như ngồi trên chảo lửa. Nhiều người dân địa phương không nén được sự phẫn nộ trước hàng loạt hành động kỳ lạ của vị sư trụ trì này.
Thạch Thất, Hà Nội: Coi thường Luật Di sản văn hóa, nhà sư trụ trì rước tượng lạ về chùa

(SGGPO).- Thông tin việc sư trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, coi thường Luật Di sản văn hóa, tự ý di chuyển, thay đổi các pho tượng cổ trong chùa và đỉnh điểm là việc cho rước một pho tượng lạ về thờ tự đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trong những ngày qua, người dân Chàng Sơn như ngồi trên chảo lửa. Nhiều người dân địa phương không nén được sự phẫn nộ trước hàng loạt hành động kỳ lạ của vị sư trụ trì này.

Sự mất tích bí ẩn của pho tượng cổ

Theo ông Nguyễn Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, Chùa Chân Long được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc Quốc gia (1992) và sư thầy Thích Minh Phượng có quyết định trụ trì chùa từ năm 2011. Song cũng bắt đầu từ đó người dân nơi đây đã chứng kiến hàng loạt thay đổi của chùa khiến nơi trước đây vốn là chốn thờ tự linh thiêng của họ dần trở thành tài sản riêng của cá nhân. Trong đó phải kể đến như việc đào hố, xây dựng công trình mới như gara ô tô, nhà vệ sinh… trong khuôn viên của chùa, một di tích cấp quốc gia mà không hề báo cáo với xã.

Theo thống kê, UBND xã đã 7 lần lập biên bản hiện trạng, xác minh về những việc sư thầy Thích Minh Phượng (tức Nguyễn Xuân Long) đã tự ý vi phạm Luật Di sản văn hóa. Trong thời gian vừa qua, sư Phượng còn 2 lần đem tượng mới về chùa Chân Long mà không rõ nguồn gốc (lần 1 có 16 pho tượng, lần 2 có 14 pho tượng). Khi sự việc bị phát hiện, chính quyền xã đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với nhân dân địa phương và các lực lượng chức năng cũng như nhà chùa buộc sư thầy Thích Minh Phượng phải đưa việc thờ tự trở về với trật tự vốn có đồng thời di dời những đồ mới khỏi chùa. Tuy nhiên, việc này đã chưa được chấp hành nghiêm túc bởi lẽ, sau 3 năm ra quyết định, đến thời điểm này những pho tượng mới đó vẫn đang nhà sư cất giữ tại đây.

Toàn cảnh chùa Chân Long

Toàn cảnh chùa Chân Long

Khi sự việc này chưa kịp lắng xuống, người dân tiếp tục phát hiện trong quá trình đưa đồ mới, chuyển đồ cũ, pho tượng vua cha Ngọc Hoàng, có niên đại hàng trăm năm tuổi ở đây, đã không cánh mà bay. Trước sự dồn ép của dư luận, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sư thầy Thích Minh Phượng đã thông báo đã đem tượng xuống tắm sông Tây Ninh cho mát vì trong quá trình di chuyển pho tượng tượng bằng đất sét đã bị hỏng. Lý do đưa những hiện vật gốc ra khỏi nơi thờ tự với lý do hỏng, mối xông là không chính đáng. Nếu bức tượng đất sơn son thếp vàng có dấu hiệu hỏng thì phải báo cáo chính quyền địa phương, và các cơ quan chuyên ngành để tu bổ, đằng này lại mang ra sông tắm cho mát là không chấp nhận được. Để chứng minh lời của mình là thật, sư Phượng đã lôi 2 bao tải đựng những mảnh vỡ của pho tượng cổ lên bờ nhưng theo người dân, trong đó chứa toàn trấu và đất sét. Tuy nhiên, đến tận thời điểm này trong khi vẫn chưa xác định được đó có thật là những mảnh vỡ của tượng cổ như lời của thày không, dân làng vẫn không khỏi xót xa khi vị trí trang trọng của pho tượng vua cha Ngọc Hoàng, sau nhiều năm được thờ phụng giờ đang bị bỏ trống.

Tượng lạ được rước vào chùa là ai?

Sau  khi vụ mất tượng cổ chưa xác minh được thì ngày 20-10 vừa qua sư thầy đã cho rước về để trước ban tam bảo của chùa một pho tượng đồng lớn. Và tất nhiên, lần này việc đưa tượng lạ vào chùa cũng không hề xin ý kiến chính quyền, cũng như dân làng. Theo lời của thầy, pho tượng này là đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, được đúc bằng đồng và nặng 350 kg được phật tử cúng tiến.

Không chỉ dừng lại ở việc tự tiện đưa đồ thờ cúng vào chùa mà lần này, dân làng bức xúc hơn khi pho tượng mới này có hình dáng rất giống với sư thầy Thích Minh Phượng.

Anh Phí Văn Chín, người xã Chàng Sơn, cũng như nhiều người dân ở đây vô cùng giận dữ nói: Tôi cũng như bà con sống trong thôn thật sự không thể nào chấp nhận nổi những việc làm của trụ trì Thích Minh Phượng. Đấy là chưa kể sư thầy coi chùa như nhà riêng khi tháo bỏ các bức tượng cổ đã tồn tại hàng ngàn năm, đưa đi nơi khác để thay vào đó là những bức tượng có hình thù quái gở… Thậm chí ngoài ngày rằm, mồng một, việc chùa đóng cửa, mở cửa ngày nào cũng do sư thầy quyết định.

Thạch Thất, Hà Nội: Coi thường Luật Di sản văn hóa, nhà sư trụ trì rước tượng lạ về chùa ảnh 2

Nhiều tượng lạ được sư thầy đưa vào chùa và bị người dân phát hiện bắt đem khỏi nơi thờ tự

Ngày 5-11, sau nhiều lần yêu cầu đưa tượng lạ ra khỏi nơi thờ phụng, pho tượng lạ đã được rước đi. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các gian thờ tự của chùa mấy ngày qua đều bị khóa cửa rất kỹ, sư thầy không xuất hiện và cũng không thể liên lạc được vì thế, người dân nơi đây vẫn đang chờ đợi câu trả lời chính xác từ cơ quan chức năng rằng pho tượng lạ đó là ai? Liệu có phải là sư thầy Thích Minh Phượng tự đúc tượng mình rồi rước vào chùa để nhân dân thờ phụng hay không?
Xã Chàng Sơn đã gửi báo cáo những sai phạm tại chùa Chân Long của sư thầy Thích Minh Phượng lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng nhiều cơ quan chức năng để có hướng giải quyết và chỉ đạo tốt nhất.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục