Thách thức chất chồng

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã từ chức để chuẩn bị tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào giữa tháng 4. Kết quả một thăm dò dư luận mới đây cho thấy ông Sisi có thể giành chiến thắng dễ dàng khi có tới 51% số người Ai Cập được hỏi khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Sisi. Mọi thứ hiện chỉ dừng lại ở dự đoán nhưng theo THX, chắc chắn một điều, bất kỳ ai đắc cử đều phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ đến từ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và nền kinh tế ốm yếu của Ai Cập.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã từ chức để chuẩn bị tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào giữa tháng 4. Kết quả một thăm dò dư luận mới đây cho thấy ông Sisi có thể giành chiến thắng dễ dàng khi có tới 51% số người Ai Cập được hỏi khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Sisi. Mọi thứ hiện chỉ dừng lại ở dự đoán nhưng theo THX, chắc chắn một điều, bất kỳ ai đắc cử đều phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ đến từ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và nền kinh tế ốm yếu của Ai Cập.

Nền kinh tế èo uột của Ai Cập thấy rõ qua các thống kê đáng báo động như thâm hụt ngân sách 12,8 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ giảm 18,9 tỷ USD (từ 36 tỷ USD tháng 1-2011 xuống còn 17,1 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2014). Tuy nhiên, theo ông Gamal Salama, người đứng đầu khoa Khoa học chính trị Trường Đại học Suez, khôi phục an ninh và ổn định xã hội mới là thách thức lớn nhất đối với các ứng cử viên tổng thống. Chỉ khi tình hình an ninh và ổn định xã hội được cải thiện, nền kinh tế Ai Cập mới có thể được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhưng các cuộc tấn công khủng bố và biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi lại đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Kể từ khi vị tổng thống Ai Cập do dân bầu đầu tiên bị lật đổ hồi tháng 7-2013, các cuộc tấn công khủng bố được phát động bởi các phần từ Hồi giáo cực đoan đang gia tăng trên khắp đất nước, nhất là ở bán đảo Sinai và thủ đô Cairo.

Các chiến dịch trấn áp nhằm tăng cường, đảm bảo an ninh của Ai Cập lại đang vấp phải phản ứng từ các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế. Vài ngày trước khi ông Sisi từ chức, một tòa án của Ai Cập đã truy tố 919 người vì liên quan đến các hành vi bạo lực và giết người. Trước đó, một tòa án hình sự ở miền Nam đã kết án tử hình 529 người ủng hộ ông Morsi. Các động thái này đã làm dấy lên những lời chỉ trích Ai Cập vi phạm nhân quyền. Đây sẽ là tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với vị tổng thống Ai Cập tương lai khi phải hạn chế các cuộc biểu tình và đụng độ, đồng thời tránh bị chỉ trích đàn áp Hồi giáo.

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sau 30 năm cầm quyền phải từ chức vào năm 2011 với cáo buộc không kiểm soát được các tay súng Hồi giáo và vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, sau 3 năm bất ổn ở Ai Cập, 2 vấn đề trên lại trở nên phức tạp, khó khăn hơn.

Giới phân tích cho rằng Ai Cập sẽ phải trải qua một thời gian dài bạo lực và khủng bố. Tân tổng thống nước này khó có thể vượt qua các thách thức khi xã hội Ai Cập đang bị chia rẽ sâu sắc. Trong một bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Sisi cam kết sẽ thiết lập “một nhà nước dân chủ hiện đại”. Tuy nhiên, đối thủ của ông, trong đó có cả phe ủng hộ ông Morsi, đều quan ngại về sự trở lại của thập niên cai trị kéo dài bởi quân đội.

Không chỉ những thách thức trong nước, tân Tổng thống Ai Cập còn phải chịu áp lực từ khu vực và quốc tế. Liên minh châu Phi (AU) đã đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập sau vụ lật đổ ông Morsi. Trong khi đó, phương Tây và Mỹ đang giảm dần hỗ trợ tài chính cho Cairo. Có thể thấy, các thử thách chất chồng có thể sẽ làm nản lòng bất cứ ai lên làm tổng thống Ai Cập, ngay cả với một lãnh đạo quân sự cứng rắn như ông Sisi.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục