Thách thức “dân số vàng”

Thách thức “dân số vàng”

TPHCM đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Điều này đồng nghĩa có một lực lượng dân số trưởng thành, một nguồn lực lao động dồi dào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức: Tình trạng giảm sinh, “ngại đẻ” trong một bộ phận phụ nữ ở tuổi sinh sản; chênh lệch giới tính; nguy cơ ế vợ ở một phần đàn ông trưởng thành; nạn nạo phá thai bừa bãi trong giới trẻ; một tỷ lệ đáng kể trẻ em gái vị thành niên bị lạm dụng…

Nhiều đàn ông ế vợ

Những thông tin trên vừa được Chi cục Dân số kế hoạch hóa và gia đình (gọi tắt là Chi cục Dân số) TPHCM cho biết nhân tổng kết kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015 và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016, mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7). Theo ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, trong 5 năm qua, công tác dân số và sức khỏe sinh sản của TP đã đạt được những thành tựu như tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt hơn 70%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt hơn 60%. Đặc biệt, việc tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân được người dân chủ động tham gia rất tích cực. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em từng bước được nâng cao, công tác phòng chống tai biến sản khoa và giảm tử vong mẹ luôn được quan tâm chú ý. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở mức thấp, dưới 7‰. Tỷ suất tử vong mẹ hiện ở mức thấp so với cả nước, dưới 6 ca/100.000 ca sinh sống…

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở TPHCM

Trong 6 tháng đầu năm 2016, TPHCM có tổng số trẻ sinh là 21.554 trẻ, tăng 5.167 trẻ so với cùng kỳ 2015. Trong đó, số trẻ nữ là 10.365 trẻ, số trẻ nam là 11.189 trẻ, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm là 107,95 trẻ nam/100 trẻ nữ. “Mặc dù đã rất cố gắng kéo giảm nhưng mức chênh lệch giới tính vẫn có xu hướng tăng”, ông Trị nói. Đây là một thực tế mà các nhà quản lý dân số đang rất “đau đầu” bởi nguy cơ ảnh hưởng cân bằng dân số trong tương lai, một số lượng lớn đàn ông trưởng thành có nguy cơ ế vợ!

Theo Tổng cục Dân số kế hoạch hóa và gia đình (gọi tắt là Tổng cục Dân số), tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của cả nước đã là 112,6 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này gia tăng rất nhiều so với kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 (ở mức 110,5 bé trai/100 bé gái). “Khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại trong những năm gần đây tăng lên là lý do chính dẫn đến sự chênh lệch giới tính đáng kể. Nguy cơ hơn 4 triệu đàn ông nước ta sắp tới ế vợ”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, nhìn nhận.

Đáng chú ý, một tỷ lệ khá báo động là nạn nạo phá thai trong giới trẻ hiện nay ở mức 42,96 ca phá thai/100 trẻ sinh sống. Tuy vậy, con số này đã giảm rất nhiều so với 6 năm về trước - năm 2010, tỷ lệ này từng lên đến 75,83 ca phá thai/100 ca sinh sống. Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức, tuy nhiên sơ bộ cho thấy trẻ vị thành niên hiện chiếm đến 1/5 dân số và tỷ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên ở TPHCM năm 2015 lên đến 3,5%.

Phụ nữ ngại sinh

Theo Chi cục Dân số TPHCM, hiện thành phố đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, với tỷ lệ dân số trẻ và trong độ tuổi lao động cao nhất theo mô hình nhân khẩu học. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mặc dù “dân số vàng” nhưng tỷ lệ sinh ở thành phố tăng chậm và có xu hướng chững lại, thậm chí giảm. Trong 5 năm qua, mức sinh trung bình ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TPHCM chỉ tăng từ 1,3 con/phụ nữ lên 1,57 con/phụ nữ. “Mức sinh này chưa đạt mức sinh thay thế (2,1 con) để bảo đảm cơ cấu dân số không bị già hóa”, ông Bỉnh khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, có nhiều yếu tố khiến phụ nữ thành phố có xu hướng ngại sinh đẻ, trong đó điều kiện kinh tế có vai trò quan trọng, nhất là đối tượng các cặp vợ chồng công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Cùng với đó là các yếu tố tâm lý, thẩm mỹ và văn hóa mà có phần ảnh hưởng các nước phương Tây. Một bộ phận chị em lại quan niệm sinh đẻ nhiều thì mất thẩm mỹ, và yếu tố sự nghiệp cũng là nguyên do khiến các cặp vợ chồng xem con cái trở thành gánh nặng cản trở. “Mức sinh giảm sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số, dẫn đến nguy cơ dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tân cảnh báo.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nêu rõ, công tác dân số và sức khỏe sinh sản của TP trong thời gian tới vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. “Cần nỗ lực chuyển tải thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con” đến từng người dân nhằm duy trì mức sinh hợp lý, đi trước đón đầu trong việc thích ứng với giai đoạn già hóa dân số và dân số già, nỗ lực hơn nữa để kéo giảm tình trạng nạo phá thai…”, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thị Thu chỉ đạo. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm cơ sở y tế có dấu hiệu lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ liên quan nạo phá thai, chẩn đoán giới tính thai nhi...

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục