Theo AFP, chính máy bay của Pháp (trong thành phần NATO) và máy bay không người lái của Mỹ đã bắn vào đoàn xe chở ông Gaddafi trước khi ông này chết, mặc dù cả hai nước này đều cho rằng mục tiêu của họ chỉ là lật đổ ông Gaddafi.
Pháp và Mỹ đưa ông Gaddafi vào đường chết
Ngày 21-10, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho biết, chiến dịch không kích của NATO tại Libya giờ đây xem như kết thúc vì ông Gaddafi đã chết và Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) đã kiểm soát được tất cả lãnh thổ Libya.
Cũng theo ông Juppé, “mục tiêu của NATO không phải là giết Gaddafi mà chỉ muốn buộc ông rời khỏi quyền lực”. NTC sẽ có toàn quyền bắt giữ và xét xử ông. Tuy nhiên, theo AFP, chính máy bay của Pháp (trong thành phần NATO) đã bắn vào đoàn xe chở ông Gaddafi và đã 1.000 lần không kích các địa điểm tình nghi có ông Gaddafi kể từ ngày 31-3. Trong cuộc tấn công vào đoàn xe chở ông Gaddafi sáng 20-10, có cả máy bay tàng hình của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận điều này.
Pháp và Mỹ cho rằng vụ không kích vào đoàn xe chỉ nhằm chặn đứng đoàn xe này, sau đó ông Gaddafi cùng một số cộng sự rời đoàn xe đi bộ. Các tay súng tìm thấy ông Gaddafi trong một đường ống thoát nước và đã xả súng vào ông. Cuối cùng, ông đã chết trên xe cứu thương.
Vấn đề là ông Gaddafi có bị thương trong vụ không kích trước đó của Pháp và Mỹ hay không thì chưa được rõ. Cơ quan nhân quyền LHQ và vợ ông Gaddafi đã kêu gọi điều tra đầy đủ về cái chết của ông Gaddafi, đồng thời bày tỏ lo ngại nhà lãnh đạo bị lật đổ này đã bị hành quyết sau khi bị các tay súng của NTC bắt giữ.
Quyết định chính thức về việc ngừng không kích Libya sẽ do đại sứ của 28 nước thành viên NATO thông qua. Sau đó, Tư lệnh tối cao NATO James Stavridis sẽ công bố.
Mọi chuyện có vẻ suôn sẻ nhưng NTC vẫn chưa công bố hoàn tất chiến dịch chống Gaddafi, kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Libya và thành lập chính phủ chuyển tiếp để soạn thảo Hiến pháp mới như đã hứa hẹn trước khi ông Gaddafi bị bắn chết. NTC cho biết, con trai ông Gaddafi, ông Seif al-Islam vẫn còn lẩn trốn đâu đó, có thể là gần Sirte.
Libya có hết bất ổn?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cái chết của ông Gaddafi chưa thật sự đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libya. Về cơ bản, toàn bộ những vấn đề đặt ra do cuộc can thiệp quân sự của NATO vào quốc gia Bắc Phi này vẫn không được giải quyết. Các vấn đề như tính thống nhất của NTC, tương lai của thể chế này, mối quan hệ giữa NTC với tiến trình chuyển tiếp dân chủ vẫn là dấu hỏi.
Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng chiến tranh có thể còn kéo dài tại Libya và chính phủ tạm quyền của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới. Thách thức lớn nhất sẽ là làm sao để tạo được sự đoàn kết và bảo vệ ngành dầu mỏ của nước này. Chính quyền chuyển tiếp dự kiến được thành lập trong vòng 30 ngày. Một hội đồng dân tộc gồm 200 thành viên sẽ được bầu trong vòng 240 ngày và hội đồng này sẽ chỉ định một thủ tướng một tháng sau đó. Hội đồng này cũng được vạch thời hạn để giám sát việc soạn thảo một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội.
Trong khi đó, dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng trái chiều. Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du kêu gọi một sự chuyển giao chính trị sớm tại Libya nhằm đảm bảo sự thống nhất dân tộc và ổn định xã hội.
Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast: “Giờ đây không còn bất cứ tiền đề nào để nước ngoài can thiệp vào Libya. Điều quan trọng là tất cả các lực lượng nước ngoài phải lập tức rút khỏi Libya để cho nhân dân Libya tự định đoạt tương lai của mình”.
THỤY VŨ
- Thông tin liên quan:
>> Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya tuyên bố ông Gaddafi đã thiệt mạng