Trưa 9-12, khoảng 100.000 người đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Bangkok để tham gia cuộc biểu tình đòi lật đổ chính phủ, bất chấp việc Thủ tướng Yingluck đã tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn theo đề nghị của người biểu tình.
Biểu tình lớn nhất 3 năm qua
Theo Tân Hoa xã, các rào chắn đã được dựng bên ngoài tòa nhà chính phủ và chưa xảy ra đụng độ nào giữa người biểu tình và cảnh sát. Tin cho biết lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva cũng tham gia cuộc tuần hành này. Theo AFP, hơn 1.000 người biểu tình bắt đầu tuần hành từ một tòa nhà chính quyền ở ngoại ô phía Bắc Bangkok đến văn phòng được bảo vệ cẩn mật của bà Yingluck, trong khi hàng chục ngàn người di chuyển từ nhiều địa điểm khác cũng tiến về mục tiêu chính này.
Một cảnh sát thuộc Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự - đơn vị được lập ra để đối phó với tình hình bất ổn cho biết, vào lúc 10 giờ 30, có khoảng 100.000 người tham gia cuộc biểu tình. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cũng đi trong dòng người trên đường phố Bangkok.
Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan cho biết, cảnh sát sẽ không được vũ trang mà chỉ có khiên và dùi cui. Họ sẽ không dùng hơi cay, hoặc nếu không còn lựa chọn nào khác thì sẽ sử dụng với một lượng hạn chế. “Chính phủ tin rằng chúng tôi có thể kiểm soát được tình hình. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc đàm phán”, ông Charupong nói.
Lượng người biểu tình lớn khiến giao thông ở nhiều đường phố ở Bangkok rơi vào tình trạng tê liệt. Một số trường học ở thủ đô cũng phải tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất trong 3 năm trở lại đây ở Thái Lan.
Chính phủ phản ứng ôn hòa
Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Teerat Ratanasevi cho biết trong một cuộc họp ngày 9-12, nội các nước này đã quyết định sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2-2-2014.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm trong nỗ lực nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở nước này. Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia, bà Yingluck nêu rõ kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8-2011, chính phủ đã cam kết giải quyết khủng hoảng dưới mọi hình thức nhằm thúc đẩy hòa giải xã hội. Tuy nhiên, mâu thuẫn và xung đột vẫn tồn tại, các thế lực chính trị đối kháng vẫn đấu tranh với nhau gây quá nhiều tổn thương cho đất nước. Vì vậy, quốc hội giải tán để trao lại quyền lực cho người dân và để người dân quyết định lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Yingluck cho biết bà đưa ra quyết định giải tán quốc hội sau khi tham vấn nhiều đảng phái. Tuy nhiên, kể cả việc giải tán quốc hội hay tổ chức bầu cử dường như không thể xoa dịu lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng thuộc đảng Dân chủ (DP). Ông đòi trao quyền cho một “Hội đồng nhân dân”, gồm những người không phải do dân bầu.
Cùng ngày, thủ lĩnh đảng Puea Thai, nguyên là đảng cầm quyền ở Thái Lan, ông Charupong Ruangsuwan, khẳng định đảng của ông sẵn sàng tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới và thông báo Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử này. Puea Thai sẽ tiến hành một cuộc họp để thảo luận các vấn đề chi tiết. Ông Charupong cho biết thêm, tất cả các đối tác trong liên minh trước đây sẽ tiếp tục làm việc với Puea Thai. Ông cũng kêu gọi DP tham gia các cuộc bầu cử và ngừng ngay các cuộc biểu tình trên đường phố.
Ông Sodsri Sattayatham, một thành viên Ủy ban bầu cử, cho biết các nghị sĩ DP đã từ chức đều có thể đăng ký tham gia tranh cử. Cựu lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện, ông Jurin Laksanawisit, cho biết hiện DP chưa thảo luận việc liệu có tham gia cuộc bầu cử tới hay không.
Tối cùng ngày, Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) còn gọi là Phong trào áo đỏ ủng hộ chính phủ đã quyết định hủy cuộc tuần hành quy mô lớn dự kiến tổ chức tại tỉnh Ayutthaya, giáp với thủ đô Bangkok vào ngày 10-12, sau khi bà Yingluck giải tán Hạ viện.
Liên quan kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử, Theo công báo của Hoàng gia Thái Lan ngày 9-12, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện nước này và tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào ngày 2-2-2014.
Quân đội Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi các bên lựa chọn giải pháp hòa bình giải quyết những xung đột chính trị. Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng bác bỏ tin đồn rằng quân đội đã can thiệp vào chính trường dẫn tới quyết định giải tán Hạ viện.
VIỆT ANH (tổng hợp)
>> Thái Lan: Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố sẽ giải tán quốc hội