Người dân ở Bangkok đang đứng ngồi không yên vì lũ lụt, Chính phủ Thái Lan đang ra sức tìm cách thoát lũ ra biển. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã đưa những chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Bangkok, hỗ trợ người dân Thái Lan vượt qua trận lụt lịch sử này.
Lũ sẽ rút trong vài ngày tới?
Hãng AFP đưa tin, mặc dù tình hình Bangkok đang được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng chính phủ Thái Lan khẳng định khu vực này sẽ thoát lũ trong tuần đầu tiên của tháng 11. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết, kế hoạch nạo vét kênh rạch, cống và tiến hành xẻ đường từ phía Bắc Thái Lan đang tỏ ra có hiệu quả. Chính phủ Thái Lan quyết định không đào kênh thoát lũ tại 5 con đường ở phía Đông Bangkok, nhưng phá một đoạn đường nhỏ ở phía Bắc để xả lũ cứu thủ đô.
Tình hình nước lũ ở trung tâm thủ đô đang trong tình trạng vẫn có thể kiểm soát, trong khi lưu lượng nước tại sông Chao Phraya đang có dấu hiệu rút xuống. Bà Yingluck khẳng định, nếu mọi người cùng cố gắng hợp tác, nước lũ tại Bangkok sẽ rút trong đầu tháng 11.
Theo hãng tin AP, các đê sông Chao Phraya chưa bị vỡ hoặc hư hại cũng làm nỗi lo lắng của người dân Bangkok vơi đi phần nào, nhưng vẫn còn một số đông người dân hối hả mua áo phao cứu hộ, thuyền cao su vì sợ nước lũ dâng. Chỉ trong một tuần, đã có hơn 3.000 chiếc thuyền cao su được bán ra tại Bangkok. Các con đường xung quanh thủ đô rơi vào cảnh tắc nghẽn khi người dân tận dụng 5 ngày nghỉ để rời khỏi thành phố.
Phóng viên TTXVN cho biết, nước lũ cũng đã tràn tới khu chợ Talat Noi, nơi bán nhiều đồ ăn Việt Nam, chùa Wat Uphairat Bamrung, một ngôi chùa gốc Việt có tên Việt Nam là Khánh Vân. Tổ chức Save the Children bày tỏ lo ngại về việc rắn, cá sấu bị sổng chuồng từ các nông trại bị ngập lụt sẽ men theo dòng nước gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Hàng hóa tại Bangkok đang khan hiếm, trong khi người dân đang cần nước sạch để sinh hoạt.
Thiệt hại kinh tế nặng nề
Trận lụt đã kéo dài 3 tháng nay, ảnh hưởng tới 29 tỉnh thành, làm hơn 370 người thiệt mạng, hơn 2,1 triệu người bị ảnh hưởng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan ước tính GDP của nước này trong năm 2011 sẽ chỉ tăng 2,6%, thay vì 4,1% như dự báo trước đây.
Tổ chức Định mức tín nhiệm Fitch ước tính Thái Lan thiệt hại khoảng 140 tỷ baht (4,5 tỷ USD). 7 khu công nghiệp tại phía Bắc Bangkok buộc phải đóng cửa khiến 650.000 người tạm thời mất việc làm. Tình hình sản xuất lúa gạo cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng lúa năm 2011-2012 tại Thái Lan sẽ bị giảm ít nhất 5 triệu tấn.
Chính phủ Thái Lan đã nhờ quân đội Mỹ theo dõi tình hình nước lũ tại Bangkok. Lầu Năm góc đã cho phép tàu khu trục USS Mustin ở lại cảng Laem Chabang thêm 5 - 6 ngày nữa để máy bay trực thăng của Mỹ theo dõi tình hình nước lũ.
Trước đó, Hải quân Mỹ đã cử một tàu sân bay và nhiều tàu nhỏ đến hỗ trợ các hoạt động cứu hộ tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Thái Lan chính thức đề nghị trợ giúp đối phó với trận lụt lớn nhất trong nửa thế kỷ qua ở nước này.
Nhật Bản đã gửi một đội chuyên gia đối phó thảm họa đến Thái Lan. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) chuẩn bị cung cấp 20.000 chiếc màn chống muỗi cho các trung tâm cứu trợ nhằm bảo vệ người dân phải sơ tán vì lũ tránh các căn bệnh nhiệt đới nguy hiểm và các bệnh liên quan đến muỗi.
UNICEF cũng đã quyên góp được 300.000 USD để hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm đối phó với lũ. Khoản tiền này sẽ được dành cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em, cung cấp nước sạch, vệ sinh dịch tễ sau lũ.
THANH HẰNG
- Thông tin liên quan:
>> Bangkok phá đường để thoát lũ
>> Thái Lan triển khai 50.000 binh sĩ bảo vệ Bangkok và các tỉnh bị lũ lụt
>> Thái Lan: Làn sóng di tản khỏi thủ đô Bangkok tránh nước lũ
>> Thái Lan đầu tư 400-500 tỷ baht để phòng chống lũ lụt