Ngày 2-1, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi lực lượng quân đội phối hợp với cảnh sát để giữ an ninh trật tự nếu phe biểu tình tiến hành chiếm đóng Bangkok. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi thủ lĩnh đối lập, ông Suthep Thaugsuban, kêu gọi tuần hành quy mô lớn vào ngày 13-1 tới nhằm làm tê liệt thủ đô Bangkok.
Biểu tình tiếp diễn đầu năm mới
Lời kêu gọi đại biểu tình chống chính phủ đưa ra trong bối cảnh ngày 2-1, đảng Dân chủ Thái Lan sẽ tổ chức cuộc đối thoại với đại diện của các tổ chức đến từ nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau về việc làm thế nào để cải cách đất nước.
Từ nhiều tuần qua, người biểu tình chống chính phủ đã làm náo loạn thủ đô Bangkok, khiến tình hình chính trị Thái Lan càng thêm bất ổn và cộng đồng quốc tế lo ngại.
Tờ Nation dẫn lời ông Suthep cho biết cuộc tuần hành sẽ bắt đầu vào 9 giờ sáng. Các bục diễn thuyết được dựng lên tại nhiều điểm giao cắt ở thủ đô, ông Suthep cũng đã kêu gọi người biểu tình trên toàn quốc bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Dự kiến, Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân của đảng Dân chủ đối lập sẽ tổ chức các cuộc biểu tình khắp thủ đô Bangkok từ ngày 5 đến 8-1 nhằm yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức và giúp đạt được mục tiêu “cải cách trước khi bầu cử”.
Ông Suthep còn đe dọa sẽ cắt điện và nước tại nhà của các bộ trưởng tạm quyền và tất cả các tòa nhà văn phòng của chính phủ, đồng thời tuyên bố sẽ giành chiến thắng trước chính phủ trong tháng này.
Hiện bà Yingluck vẫn khẳng định sẽ không từ chức cho đến khi một Thủ tướng mới được bầu sau cuộc tổng tuyển cử tới. Ngày 2-1, Tổng thư ký Ủy ban bầu cử (EC) Phuchong Nutrawong cho biết EC sẽ họp để quyết định liệu có tiếp tục cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2 hay không.
Quân đội chưa đưa ra quyết định
Trong thông điệp mừng năm mới 2014, Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej không trực tiếp nhắc đến cuộc khủng hoảng chính trị gây chia rẽ đất nước hiện nay, song kêu gọi nhân dân “hãy nghĩ đến lợi ích chung và các giá trị của Thái Lan”.
Về phần mình, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã kêu gọi một “giải pháp hòa bình” cho những chia rẽ chính trị. Bức thông điệp đăng tải trên trang Facebook chính thức của Thủ tướng Thái Lan nêu rõ: “Toàn thể nhân dân Thái Lan, dù thuộc hệ tư tưởng chính trị khác nhau và có niềm tin khác nhau, nên quay lại với nhau để cùng tìm ra một giải pháp hòa bình cho đất nước”. Bà Yingluck cam kết nỗ lực hết mình để thiết lập lại sự hòa hợp dân tộc.
Tuy nhiên, theo Bangkok Post, Tướng Prayuth Chan - ocha, Tư lệnh lục quân Thái Lan tỏ ra không thoải mái trước lời đề nghị quân đội giúp cảnh sát. Ông lo ngại các binh sĩ sẽ bị buộc tội khi họ tham gia giải tán các cuộc biểu tình như đã làm năm 2010. Quân đội Thái Lan đã bị chỉ trích nặng nề trong cuộc bạo lực chính trị năm 2010. Theo một nguồn tin, bà Yingluck cũng đề nghị những nhà lãnh đạo quân đội giúp, nếu họ muốn tham gia trong Hội đồng cải cách quốc gia. Trong khi đó, tổng giám đốc Cục Cảnh sát quốc gia cho biết, một đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai để bảo vệ những cảnh sát trấn áp đám đông biểu tình nếu bạo lực xảy ra.
Giới quan sát cho rằng đã sang năm mới, nhưng Thái Lan vẫn chưa thể yên với những mâu thuẫn cũ và bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới. Nếu cuộc bầu cử vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 2-2 và đảng Pheu Thai chiến thắng, chính phủ mới cũng khó có thể điều hành đất nước một cách bình yên được.
HẠNH CHI (tổng hợp)
>> Thái Lan: Một tay súng tấn công người biểu tình