Hàng Việt đã có mặt tại các chợ truyền thống hay chưa? Câu trả lời đã có. Thế nhưng để bám rễ, đồng thời tăng độ phủ hàng Việt tại chợ, các doanh nghiệp (DN) phải có cách làm bài bản hơn.
- Bắt tay cùng làm
Nếu thị trường nông thôn được xem là khu vực có nhu cầu mua sắm lớn gấp 3 lần so với thành thị thì chợ truyền thống chính là kênh phân phối cực kỳ quan trọng trong việc lưu chuyển và đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC), có đến 72% người tiêu dùng chọn kênh phân phối truyền thống là điểm dừng chân để mua sản phẩm.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi…) tại 2 TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM mới chiếm khoảng 30 - 32% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, gần 70% còn lại vẫn thuộc về kênh phân phối truyền thống. So sánh như vậy để thấy rằng, nếu DN chỉ chú trọng vào việc đưa hàng lên quầy kệ của các siêu thị sẽ là sai lầm rất khó khắc phục. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn hiện nay, cần tận dụng mọi kênh phân phối để quảng bá, đẩy mạnh việc bán hàng.
Xuất phát từ thực tế trên, các DNHVNCLC cùng nắm tay nhau thực hiện dự án hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống, thông qua chương trình “Ngày vàng hàng Việt” tại các chợ do Hội DNHVNCLC tổ chức. Chính thức triển khai từ đầu tháng 5-2012, chương trình có sự đồng hành của 7 DN hạt giống thuộc nhiều lĩnh vực (Vinamilk, Trung Nguyên, Liên Thành, Bidrico, Mỹ Hảo, Duy Tân, Sunhouse) với quy trình thực hiện 4 bước: kết nối chính quyền quận, huyện, ban quản lý chợ; khảo sát, đo độ phủ hàng của các DN tại kênh chợ truyền thống; huấn luyện, kết nối tiểu thương và chương trình “Ngày vàng hàng Việt”.
Về phía các DN, trước khi tham gia chương trình, đội ngũ marketing cũng đã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm tận dụng tối đa thời điểm vàng để quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến từng tiểu thương cũng như người tiêu dùng.
Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo cho biết, hiện kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm đến 80% tổng doanh thu của công ty, do vậy việc đem hàng hóa đến các chợ để tiếp cận bài bản sẽ rất có lợi cho DN.
- Thành công ngoài mong đợi
Sau hơn 2 tháng triển khai dự án hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống, giai đoạn 1 đã kết thúc vào ngày 8-7 vừa qua. Ông Lê Hoàng Thành, Phó ban Kinh doanh Công ty Bidrico, phụ trách chương trình của công ty, cho biết trước khi tham gia dự án, độ phủ hàng hóa của Bidrico ban đầu tại các quầy sạp chỉ từ 15 - 20%, có chợ chiếm 30 - 40%. Tuy nhiên, sau khi tham gia, độ phủ có chợ đã tăng 80 - 90% nhưng với các chợ ở khu vực quận 11, độ phủ chỉ đạt khoảng 50%. Lý giải về sự hạn chế này, ông Thành cho rằng với những chợ có nhiều người Hoa kinh doanh, họ rất khó thay đổi đối tác cung cấp sản phẩm nên việc tiếp cận để giới thiệu hàng hóa không mang lại nhiều kết quả.
Cùng với việc tăng độ phủ sản phẩm, chỉ sau 10 chương trình tham gia, Bidrico đã mở thêm được 56 điểm bán mới. Đây là thành công vượt quá sự mong đợi của DN. Hiện Bidrico xây dựng kế hoạch để tiếp tục tham gia giai đoạn 2 dự án, trong đó tập trung khảo sát về nhu cầu và độ tín nhiệm của khách hàng đối với sản phẩm, tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn, đồng thời xem xét lại chế độ đãi ngộ cho tiểu thương để họ gắn bó với công ty hơn. Nói cách khác, việc tham gia “Ngày vàng hàng Việt” sẽ giúp công ty cọ sát với chuỗi cung ứng và tiêu dùng sản phẩm, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó hoạch định sản xuất bài bản và phù hợp hơn.
Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho rằng, cuộc đua quảng bá sản phẩm tại chợ truyền thống trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay rất cam go. Các thương hiệu lớn, đặc biệt là những DN có yếu tố nước ngoài luôn lấn át DN thuần Việt vì mật độ quảng cáo dày đặc trên các phương tiện thông tin. Việc tham gia “Ngày vàng hàng Việt” là cách quảng bá hàng hóa tiết kiệm nhất nhưng lại hiệu quả nhất. Ngoài việc tăng độ phủ hàng hóa, tăng doanh số bán hàng thì giữa DN và tiểu thương cũng đã tạo lập được mối quan hệ mật thiết hơn. Qua đó, DN sẽ lắng nghe ý kiến của tiểu thương xem họ mong muốn gì, các “đối thủ” sắp tung ra những sản phẩm mới nào… Đây là lý do Liên Thành sẽ kiên trì theo đuổi chương trình này để “thâm canh”, tăng độ phủ hàng hóa cũng như tăng độ nhận biết thương hiệu của người tiêu dùng tại các chợ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DNHVNCLC cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án cũng sẽ được thực hiện tại 10 chợ thuộc các quận 7, 8 và Tân Bình, đồng thời mở rộng thêm các DN hạt giống, đa dạng hóa ngành hàng tham gia. Hội DNHVNCLC sẽ có những chính sách hỗ trợ kinh phí cho DN thuộc các ngành hàng khó thâm nhập vào chợ như may mặc, giày dép… Bà Hạnh cũng khuyến nghị DN cần phải tin tiểu thương.
“Đưa hàng vào chợ không làm mất uy tín của sản phẩm mà còn đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng bình dân tiếp cận được sản phẩm có chất lượng tốt. DN hãy mang hàng tới chợ, hãy tự đi, chủ động gặp gỡ tiểu thương để kết nối với họ, gắn bó, thuyết phục tiểu thương bán thêm hàng Việt” - bà Hạnh nói.
Về phía cơ quan nhà nước, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện để sửa chữa, chỉnh trang các chợ đảm bảo yêu cầu về an toàn trật tự, vệ sinh ở khu vực chợ truyền thống. Như vậy là nhà nước sẽ luôn đứng sau để tiếp sức DN và tiểu thương trong việc mở rộng thị phần tiêu thụ hàng Việt. Trong nhiều năm nữa chợ truyền thống vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lưu chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân. Để thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng, DN đến những chị tiểu thương, người tiêu dùng thì hàng Việt mới có thể thắng trên sân nhà.
THÚY HẢI