Ngày 10-3, hội thảo Tự do thương mại - Cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Đại học SMU (Singapore) tổ chức đã diễn ra tại TPHCM.
Theo Tiến sĩ Arnoud De Meyer, Chủ tịch Đại học SMU, từ năm 1990-2012, thương mại toàn cầu tăng trưởng gấp nhiều lần so với tăng trưởng GDP toàn cầu. Doanh số bán lẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm gần đây đạt mức tăng trưởng 11%, doanh số bán lẻ online tăng 300% và bán qua mobile tăng 1.600%. Các giáo sư đến từ Đại học SMU cũng cho rằng, giai đoạn 2006-2010, tại châu Á có sự bùng nổ về phát triển công nghiệp. Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển có thể thấy, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đã kịp thời điều chỉnh và có sự sắp xếp lại hệ thống sản xuất để tạo ra chuỗi những sản phẩm đồng nhất, cũng như các sản phẩm độc quyền, có chất lượng cao. Vì vậy, các đối tác toàn cầu đều nhắm đến và chọn để tham gia sản xuất vào chuỗi cung ứng.
Một mô hình chung cho các doanh nghiệp (DN), các quốc gia đã tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng bao gồm 6 yếu tố sau: Toàn cầu hóa, quản trị, chuyên môn hóa, phát triển quốc gia, quản lý chuỗi và thị trường. Trong mỗi yếu tố đều mang lại những ảnh hưởng khác nhau, như toàn cầu hóa sẽ tác động đến việc cắt khúc và phân quyền sản xuất, trong quản trị phải kết hợp bởi các DN nhỏ và vừa thông qua hợp đồng cung cầu, chuyên môn hóa ở một quốc gia hoặc công ty chuyên môn ở một phần của khâu sản xuất… Cuối cùng, thị trường trước đây thuần xuất khẩu thì nay phải kết hợp giữa xuất khẩu và thị trường nội địa. Tóm lại, để tham gia vào chuỗi, các DN buộc phải đạt đến sự đồng nhất cao trong sản xuất.
Mới chỉ có khoảng 21% DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong ảnh là hoạt động sản xuất giày da của một doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Nhận định chung của các diễn giả, Việt Nam hiện là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, do có lợi thế về địa lý và chi phí sản xuất, nguồn nhân lực 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu của chuỗi cung ứng? Câu trả lời là ở mức thấp và còn mờ nhạt. Để tăng khả năng cạnh tranh, Tiến sĩ Shantanu Bhattacharya khuyến nghị Việt Nam cần tăng khả năng tiếp cận vốn và khuyến khích thu hút đầu tư từ DN FDI tốt hơn, nâng cao năng lực trực tiếp của nhân lực. Cần phát triển hạ tầng có định hướng và ổn định chính sách cho việc phát triển sản xuất, đồng thời giảm độ phức tạp của luật định.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Zulkifli Bin Baharudin, Chủ tịch điều hành Tập đoàn ITL, cho rằng người Việt Nam có khả năng “săn mồi” tốt nhưng lại thiếu tính đoàn kết nên không mang lại hiệu quả. Điều quan trọng là các DN Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý “ăn xổi, ở thì”, thiếu một tầm nhìn dài hạn, một định hướng kinh doanh cụ thể, xuyên suốt. “Trước đây, khi tôi đến Việt Nam thì ở đâu tôi cũng thấy DN làm giày, nay khi trở lại thì hầu hết DN làm giày trước đây đã chuyển qua làm bất động sản. Theo tôi, DN nên làm một việc duy nhất của mình, nhưng trong 6 tháng phải thay đổi 1 lần. Thay đổi để bắt kịp xu hướng và làm cho mình mới hơn nhưng không được đi chệch mục tiêu ban đầu thì mới mang lại kết quả”, ông Zulkifli Bin Baharudin nói.
THÚY HẢI