Thảm họa hàng không MH17: Thi thể nạn nhân trên đường về Hà Lan
Ngày 22-7, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Borodai đã giao 2 hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 cho Malaysia. Ngoài ra, ông Borodai cũng tuyên bố ngừng bắn ở khu vực có bán kính 10km xung quanh địa điểm MH17 rơi. Như vậy, các chuyên gia đã có thể đẩy mạnh điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Không “tiên đoán” trước kết quả điều tra
Trong 2 hộp đen, một chiếc ghi âm toàn bộ đối thoại của tổ lái, chiếc còn lại chứa dữ liệu về chuyến bay. Đại tá Mohamed Sakri, thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia Malaysia, cho biết 2 chiếc hộp đen đều trong tình trạng tốt. Theo báo New Straits Times của Malaysia, các chuyên gia hy vọng hộp đen ghi âm đối thoại của tổ lái sẽ là đầu mối quan trọng làm sáng tỏ kết cục đau xót của MH17. Malaysia cho biết sẽ giữ các hộp đen cho đến khi một nhóm điều tra quốc tế được thành lập và sẽ giao chúng cho nhóm này. Lực lượng chống đối Chính phủ Ukraine cũng cho biết, thi thể của 282 nạn nhân đã được đưa lên tàu, chuyển đến TP Kharkov của Ukraine. Từ Kharkov, các thi thể được đưa về Hà Lan để nhận dạng.
Những diễn biến mới nhất diễn ra trong bối cảnh HĐBA LHQ trước đó đã thông qua nghị quyết lên án vụ máy bay Malaysia rơi tại Ukraine. So với bản dự thảo được Australia đưa ra trước đó, nghị quyết cuối cùng vừa được thông qua đã có một số điều chỉnh về ngôn từ, theo đó không khẳng định máy bay bị “bắn rơi”. Nguồn tin ngoại giao cho biết trong quá trình trao đổi, Nga và Trung Quốc đề xuất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không “tiên đoán” trước về kết quả điều tra. Một số quốc gia thành viên khác cũng nhấn mạnh rằng không nên đưa ra một kết luận nào cho tới khi cuộc điều tra toàn diện kết thúc.
Bộ Quốc phòng Nga công bố bằng chứng
Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã cho đăng tải một tuyên bố. Ngoài việc thông báo diễn biến liên quan đến hộp đen MH17, thi thể các nạn nhân được tìm thấy, ông Razak đã có những chia sẻ về tâm trạng của ông cũng như gửi lời động viên đến gia đình các nạn nhân xấu số. Tuyên bố có đoạn: “Tôi biết rằng, với những gia đình đã mất người thân, không gì có thể bù đắp được những mất mát đau thương này. Trái tim tôi đang hòa cùng nhịp đập với các bạn. Hãy hy vọng và cầu nguyện thỏa thuận đã đạt được hôm nay (thỏa thuận điều tra nguyên nhân MH17 rơi) sẽ mang đến câu trả lời rõ ràng cho chúng ta”.
Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành họp báo công bố các thông tin về thảm họa rơi máy bay MH17 mà cơ quan này có được. Theo Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov, có thông tin rằng không lâu trước khi thảm họa xảy ra, gần MH17 có một máy bay quân sự khác. Radar của Nga đã xác định đó là máy bay Su-25 của Ukraine. Ông Kartopolov cho biết thêm khoảng cách của chiếc Su-25 với chiếc Boeing của Malaysia từ 3-5km và dường như bay theo lộ trình của MH17. Chiến đấu cơ này có thể bay ở độ cao trên 10km, được trang bị tên lửa không đối không P-60 có thể tấn công mục tiêu ở vị trí cách 12km và hoàn toàn chính xác với các mục tiêu cách 5km.
Bộ Quốc phòng Nga có các bức ảnh vệ tinh về vị trí hệ thống phòng không của quân đội Ukraine ở khu vực miền Đông nước này trước thời điểm MH17 rơi. 3 bức ảnh đầu tiên chụp ngày 14-7 cho thấy các bệ phóng tên lửa đất đối không Buk trong khu vực cách Lugansk 8km về phía Tây Bắc. Trong ảnh có thể thấy rõ xe tự hành và 2 bệ phóng tên lửa. Bức ảnh tiếp theo là các trạm radar gần Donetsk. Bức ảnh khác cho thấy vị trí của hệ thống phòng không ở khu vực Donetsk. Cụ thể trong bức ảnh này có thể thấy rõ bệ phóng, khoảng 60 đơn vị thiết bị quân sự đặc biệt. Ông Kartapolov khẳng định: “Trong cùng khu vực, các bức ảnh chụp ngày 17-7 cho thấy bệ phóng đã không còn. Bức ảnh thứ năm có thể thấy rõ sáng hôm đó gần làng Zaroshchinskoye, cách Donetsk 50km về phía Đông và cách Shakhtersk 8km về phía Nam, đã phát hiện khẩu đội Buk. Vấn đề là tại sao khẩu đội lại ở khu vực đó, gần lãnh thổ do dân quân kiểm soát, ngay trước thảm họa?”.
Ông Kartapolov còn cho biết vào ngày 17-7, một thiết bị thử nghiệm của Mỹ nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa đã bay qua bầu trời khu vực Đông Nam Ukraine. Trung tướng Kartapolov lưu ý thời điểm xảy ra thảm họa MH17 trùng với thời điểm vệ tinh giám sát của Mỹ trên bầu trời Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi Mỹ công bố với cộng đồng quốc tế các bức ảnh vệ tinh của họ trong ngày máy bay rơi.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ TPHCM chia buồn với người dân Malaysia
Đại diện cho lập trường của ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung tuyên bố ASEAN mạnh mẽ lên án hành động gây ra vụ tai nạn máy bay MH17 khi đang bay ở tầm cao an toàn và tại không phận không hạn chế bay theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). ASEAN kêu gọi khẩn trương tiến hành cuộc điều tra toàn diện, độc lập, minh bạch về vụ việc, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả gia đình và người thân các nạn nhân trong vụ tai nạn vừa qua.
* Sáng 22-7, tại Tổng lãnh sự quán Malaysia, ông Lê Quang Long, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM đã đến ghi sổ tang, chia buồn với gia quyến những người thiệt mạng trong vụ chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia gặp nạn tại Ukraine ngày 17-7.
Ông Lê Quang Long đã chia buồn cùng với Tổng lãnh sự Malaysia Shazryll Zahiran và viết sổ tang với nội dung: “Thay mặt Sở Ngoại vụ TPHCM, tôi xin gửi đến ông Tổng lãnh sự và qua ông, gửi đến Chính phủ Malaysia, nhân dân Malaysia cùng gia đình, thân quyến các hành khách trên chuyến bay sự cảm thông và lời chia buồn sâu sắc nhất”.
THANH HẰNG
*****
Phi công MH17 từng thoát nạn MH370
Theo mạng tin Malaysia Insider, phi công phụ Ahmad Hakimi Hanapi của MH17 dù may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi đổi ca trên chuyến máy bay MH370 vào phút chót hôm 8-3, nhưng vận may không đến với Hanapi trên chiếc MH17 lần nữa. Ông Daud Abdul Kadir, ông nội của Hanapi, 80 tuổi, cho biết, Hanapi từng nói rằng, anh là người may mắn khi không tham gia bay cùng với MH370. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, ông Kadir lại phải đón nhận tin đau lòng: cháu trai của ông là một trong số những phi công đã tử nạn trên chuyến bay định mệnh MH17. “Có lẽ, đó là số phận của Hanapi”, ông Kadir đau buồn nói.
Cao Văn
Sky News xin lỗi vì tác nghiệp thô lỗ
Theo CNN, tập đoàn truyền thông Sky News của Anh ngày 22-7 đã lên tiếng xin lỗi người nhà nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay MH17 và khán giả vì cách tác nghiệp thô lỗ của phóng viên mình.
Trong lúc thông tin, quay lại hiện trường vụ rơi máy bay, nhóm phóng viên của Sky News đã phát lại cảnh chính mình lục lọi hành lý của các nạn nhân để trưng ra tư trang, vật dụng của họ. Hình ảnh này đã được truyền trực tiếp đến khán giả theo dõi Sky News. Điều này bị cho là xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư, nhất là đối với những người đã khuất thì hành động này càng không thể chấp nhận.
Nhiều khán giả đã phản ứng mạnh và chỉ trích cách làm việc của phóng viên. Khán giả chia sẻ trên các trang mạng xã hội: “Đây là thái độ bất kính, không thể tha thứ!”.
NHƯ QUỲNH
Malaysia Airlines tái cơ cấu
Theo hãng tin Bloomberg, trong tuần này, Malaysia Airlines (MAS) sẽ trình kế hoạch tái cơ cấu lên Quỹ đầu tư chính phủ Khazanah Nasional - đơn vị sở hữu 69,4% cổ phần của hãng, đề ra hai phương án xin phá sản hoặc chấp nhận tư nhân hóa. Đề xuất tái cơ cấu diễn ra trong bối cảnh lượng khách hàng và số vé bán ra của Malaysia Airlines giảm mạnh trong tháng 6.
Quỹ đầu tư chính phủ Khazanah Nasional đang cân nhắc phương án tư nhân hóa MAS hơn là để hãng phá sản. Sau tai nạn MH17, Malaysia Airlines thông báo sẽ hoàn trả tiền vé cho những hành khách không muốn tiếp tục bay với hãng, miễn là họ thông báo trước ngày 24-7. Chương trình áp dụng với cả những vé không được hoàn lại. MAS gặp khủng hoảng tài chính từ trước khi sự cố MH370 và MH17 xảy ra. Trước khi chuyến bay MH370 bị mất tích, MAS báo cáo lỗ tới 4,13 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD) trong 3 năm qua. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, hãng thiệt hại 443,4 triệu ringgit.