Nhân viên cứu hộ vụ sập nhà tại Bangladesh ngày 1-5 cho biết ít nhất 550 người có thể đã chết. Vụ sập nhà xảy ra tuần trước nhưng với số thương vong cao cùng hàng loạt tiết lộ về tình trạng bóc lột công nhân may trong tòa nhà này đã khiến dư luận bức xúc.
Lao động nô lệ
Các tai nạn tương tự không phải hiếm tại một đất nước nghèo khó như Bangladesh nhưng điều khiến nhiều người chú ý chính là giới chủ trong xưởng may ở tòa nhà bị sập đối đãi công nhân như những “nô lệ lao động” - như lời Giáo hoàng Francis mô tả. Bangladesh từ lâu trở thành một trong các trung tâm gia công cho các nhãn hàng thời trang phương Tây. Như thể tức nước vỡ bờ, sau vụ tai nạn sập nhà nói trên, hàng chục ngàn người biểu tình trên đường phố của thủ đô Dhaka đúng vào ngày Quốc tế lao động để yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Theo Reuters, Giáo hoàng Francis lên án điều kiện làm việc tại xưởng may bị sập bên trong tòa nhà, cho rằng đồng lương rẻ mạt và đòi hỏi lợi nhuận phi lý của giới chủ là điều “chống lại Chúa”. “50 USD/tháng là khoản tiền lương của những người đã chết. Điều đó gọi là lao động nô lệ”, ngài nói. Người đứng đầu Vatican cũng cho rằng nhiều người trên thế giới đang sống trong những điều kiện của lao động nô lệ. Những người biểu tình tại Dhaka cầm biểu ngữ màu đỏ và hô to: “Hãy treo cổ những kẻ giết người, treo cổ những tên chủ nhà máy!”. Trong thực tế, mức lương cho công nhân may ở Bangladesh có thể còn thấp hơn, thậm chí chỉ có 38 USD/tháng với 6 ca mỗi tuần và mỗi ca kéo dài 10 giờ.
Áp lực
Chính phủ Bangladesh phải đối mặt với áp lực nước ngoài ngày càng tăng để có hành động nhằm cải thiện điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp may mặc. Vụ sập đổ tòa nhà phức hợp gồm nhiều xưởng may Rana Plaza chỉ là giọt nước làm tràn ly khi tình trạng bóc lột công nhân may xảy ra thường xuyên ở nước này. Hồi cuối tháng 11-2012, vụ cháy một xưởng dệt may đã làm 111 người chết lúc đó đã có nhiều cáo buộc về việc xem thường tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành công nghiệp 20 tỷ USD này của Bangladesh.
Liên minh châu Âu (EU) phải lên tiếng cho biết sẽ xem lại việc đôn đốc các công ty của khối này tuân thủ đầy đủ điều kiện lao động. Các công ty chuyên bán lẻ như Primark, Benetton và Mango của EU thừa nhận họ sử dụng các nhà máy trong tòa nhà bị sụp đổ. Gần 60% hàng may mặc của Bangladesh được vận chuyển đến EU miễn thuế và thuế quan.
Vì vậy, EU phải có trách nhiệm lớn về các vấn đề an toàn lao động ở Bangladesh. Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, bà Catherine Ashton, và Ủy viên trưởng Thương mại EU, ông Karel de Gucht, đã ra tuyên bố kêu gọi các cấp chính quyền ở Bangladesh ngay lập tức đảm bảo các nhà máy tuân thủ tiêu chuẩn an toàn lao động. EU cũng dọa có biện pháp trừng phạt với hàng may mặc nhập khẩu từ Bangladesh.
AFP dẫn lời Chủ tịch Liên đoàn Công nhân dệt may Bangladesh, ông Kamrul Anam, nói: “Chúng tôi muốn sự trừng phạt khắc nghiệt nhất cho những người chịu trách nhiệm về thảm kịch này”. Cảnh sát ước tính số người biểu tình tại Dhaka lên hơn 20.000 người cùng nhiều cuộc biểu tình nhỏ ở các nơi khác.
Đã có nhiều trong số 4.500 nhà máy may mặc của Bangladesh đã bị đóng cửa từ sau thảm họa tại xưởng may bị sập. Đây là thiệt hại không nhỏ cho ngành công nghiệp may vốn chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina có lẽ lo ngại ngành công nghiệp này thất thu nên kêu gọi người lao động trở lại làm việc nếu không họ sẽ bị mất việc làm.
THỤY VŨ (tổng hợp)