
Chỉ còn ít ngày nữa thôi là Sư đoàn bộ binh 9 (Quân đoàn 4) của chúng tôi tròn 45 tuổi (2-9-1965 – 2-9-2010). 45 năm là một chặng đường không dài so với lịch sử dân tộc, nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn. Bởi đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, được ra đời trong hoàn cảnh đầy cam go thử thách trên chiến trường miền Đông Nam bộ.
Sư đoàn được thành lập với hầu hết cán bộ khung các trung đoàn được điều động từ miền Bắc vào, phần lớn là các cán bộ miền Nam tập kết, nay trở lại. Riêng chiến sĩ thì đủ cả ba miền, song đông đảo nhất vẫn là con em các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Bao kỷ niệm chợt ùa về khiến mỗi người lính sư đoàn càng thêm bồi hồi xúc động.

Thượng tướng Hoàng Cầm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mang theo tình cảm ấy, sáng 20-8 vừa qua, tôi tới thăm người sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9: Thượng tướng Hoàng Cầm, tại nhà riêng. Đã có nhiều sách báo viết về ông, người chỉ huy tài ba với những chiến công vang dội suốt từ Bắc vào Nam. Nhưng mấy ai biết được hiện nay ở vào tuổi 91, ông đang từng phút từng giây chống chọi với bệnh tật. Mặc dù phải nằm tiếp chuyện thông qua người con dâu thứ hai, song ông vẫn nhận biết và tươi cười khi tôi đến thăm. Tôi thuộc lớp cán bộ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không được công tác nhiều với ông. Chỉ biết ông từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sông Lô (e209) thuộc Đại đoàn 312, đơn vị mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung đoàn do ông chỉ huy đã bắt sống tướng De Castries tại mặt trận và ông là người đầu tiên hỏi cung viên tướng bại trận này.
Từ cuối năm 1964, ông đã có mặt chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Khi giặc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, ông được giao trọng trách Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 (Công trường 9). Sư đoàn vừa được thành lập cũng chính là lúc quân Mỹ mở rộng địa bàn hoạt động ở Bắc Sài Gòn. Những trận đánh và thắng Mỹ oanh liệt ở Bầu Bàng (Bắc Bình Dương), Nhà Đỏ… của sư đoàn đã củng cố niềm tin cho quân, dân ta dám đánh Mỹ và sẽ thắng Mỹ. Điển hình là cuộc hành quân Johnson City mùa khô 1966 - 1967, Mỹ huy động hàng vạn quân tiến công vào Chiến khu Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh) nhằm triệt phá căn cứ, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực Quân giải phóng miền Nam. Sư đoàn 9 là đơn vị chủ lực duy nhất sử dụng nhiều hình thức chiến thuật khác nhau, ngăn chặn có hiệu quả, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ được những mục tiêu quan trọng. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều về Bộ Tư lệnh Miền.
Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 - “quả đấm thép” của chiến trường miền Đông Nam bộ - được thành lập. Thiếu tướng Hoàng Cầm lại được giao đảm nhiệm chức Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của quân đoàn. Cuộc đời của ông gắn bó với quân đoàn, từ chiến dịch Đường 14 - Phước Long tới cửa ngõ Xuân Lộc, Long Khánh, cùng đại quân ta hội tụ ở Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Khi kẻ thù mới là tập đoàn phản động Pôn Pốt xuất hiện, ông lại cùng quân đoàn bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Khi cách mạng và nhân dân Campuchia yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 dũng mãnh tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari. Giữa trưa ngày 7-1-1979, tại thủ đô Phnôm Pênh, với chức Tư lệnh chiến dịch phía Đông, ông đã cùng với các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam cứu người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đem lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp.
Sau khi làm tròn nghĩa vụ quốc tế, năm 1981, ông được điều động giữ chức Tư lệnh Quân khu 4 và sau đó là Tổng Thanh tra quân đội, rồi nghỉ hưu.
Tôi chỉ sơ qua quá trình công tác ở các đơn vị của Thượng tướng Hoàng Cầm, không dám bàn gì tới đức độ và tài chỉ huy thao lược, tài cầm quân của một vị tướng mà cả ba dấu mốc lịch sử quan trọng trong các cuộc chiến tranh, ông đều chỉ huy các đơn vị giành thắng lợi. Và ông luôn có mặt rất đúng lúc (7-5-1954 – 30-4-1975 – 7-1-1979).
Tôi nhắc lại ba dấu mốc đó cho Thượng tướng nghe, rồi chào xin phép ông ra về. Tiễn tôi ra tới cửa, người con dâu của ông rụt rè mở lời:
– Anh ơi, với công trạng của bố em như vậy, liệu cụ có được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND không hả anh?
Không chút đắn đo, tôi đáp:
– Đây cũng là tâm nguyện chung của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4. Nhưng lúc này thì anh chưa thể trả lời được. Đây là một việc hệ trọng, do vậy cần phải có các bước tiến hành theo đúng quy định… Chỉ biết rằng, Đảng và Nhà nước ta sẽ không quên một ai có những cống hiến và công lao đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng.
Trên đường trở về nhà, tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Sư đoàn 9 lần này, chắc chắn người sư đoàn trưởng đầu tiên sẽ không thể về chung vui với đơn vị được. Song trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn thì ấn tượng về một người chỉ huy tài ba, dũng cảm, quyết đoán và đầy lòng thương yêu cấp dưới luôn sống động. Phẩm cách liêm khiết và đạo đức mẫu mực của Thượng tướng Hoàng Cầm luôn là bài học cho lớp cán bộ chúng tôi và các lớp kế tiếp noi theo. Câu hỏi của người con dâu hiếu thảo khiến tôi suy nghĩ và day dứt mãi. Đây không chỉ là tấm lòng của riêng cô mà là của cả gia đình và biết bao đồng chí, đồng đội, bạn bè, những người luôn kính trọng và ngưỡng mộ ông.
Tôi mong ước một ngày gần đây, gia đình, bạn bè và những cán bộ cấp dưới sẽ được quây quần về bên Thượng tướng Hoàng Cầm để đón nhận sự vinh danh và tưởng thưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân dành cho ông, một vị tướng có công lớn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trung tướng PGS-TS ĐÀO VĂN LỢI