Làm dâu trăm họ
Người đàn ông với gương mặt đỏ au, gằn giọng rồi chỉ tay thẳng vào mặt một điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), đe nẹt: “Cậu có biết làm việc không, để người nhà tôi rên la hoài vậy sao? Vợ tôi có bề gì thì mấy người chết với tôi”. Cậu điều dưỡng cố giải thích không được, đành chịu trận những lời sỉ vả khi người nhà bệnh nhân quá nóng ruột.
Cách đó không xa, sau vách kính ngăn giữa phòng trực và khu bệnh nhân, điều dưỡng Trần Thị Thu An đang “dỗ dành” bệnh nhân L.V.V: “Anh ráng ăn thêm một chút, một chút nữa nghen”.
Người đàn ông với thân hình chỉ còn da bọc xương lắc đầu, nhắm mắt. Không bỏ cuộc, điều dưỡng An vừa lau mặt cho bệnh nhân vừa năn nỉ: “Em biết anh đau, khó thở, nhưng phải ăn nhiều hơn một chút để có sức khỏe điều trị mới mau hết bệnh”.
Nhọc nhằn, vất vả, bị la mắng cũng là chuyện thường ngày của những điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu tổng hợp BV Nhân dân 115 (TPHCM). Nhiều điều dưỡng viên ở đây cho biết là họ chạy như con thoi cả ngày lẫn đêm. Ở khoa, ngoài thay băng, truyền dịch, chuẩn bị đưa đi mổ… điều dưỡng viên có khi chôn chân trong phòng mổ 3-5 giờ để theo BS hết ca phẫu thuật. Có những ca mổ phức tạp kéo dài từ 10 giờ sáng đến hơn 2 giờ chiều nên việc nhịn ăn cũng là chuyện bình thường.
“Ở khoa này gần như giờ nào cũng có vài chục ca vào cấp cứu, không bệnh thì tai nạn giao thông, đánh nhau nên điều dưỡng không khi nào ngơi tay. Chuyện thức đêm, nhịn đói, đi lại nhiều nên không ít điều dưỡng viên khi hết ca làm việc là choáng váng, mắt mờ, chân run...”, chị Lương Ngọc Quyên, điều dưỡng trưởng, nói rồi vội quay ra phụ điều dưỡng viên nhận bệnh khi một ca bị tai nạn giao thông nặng vừa được đưa vào.
Tận tâm cống hiến
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Phạm Ngọc Thạch có 66 giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Là khoa đặc thù, tập trung các ca bệnh nặng nhất của BV và ở đó, cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân luôn được thực hiện bằng chính y đức và tâm huyết của mỗi người thầy thuốc.
“Làm quản lý ở khoa đầu sóng ngọn gió của BV, áp lực công việc rất lớn, phải đối mặt với những rủi ro nhưng tôi và 59 diều dưỡng viên của khoa vẫn gắn bó với nghề vì công việc của mình sẽ giúp nhiều người bệnh nặng hồi phục. Nhìn thân nhân của họ vui mừng khi đón nhận lại người thân vừa bước qua cửa tử, tôi thật hạnh phúc”, chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Điều dưỡng trưởng BV, chia sẻ.
Với chị Dương Thị Trang, Trưởng phòng Điều dưỡng BV quận Tân Phú (TPHCM), người có hơn 20 năm tuổi nghề. Nghề điều dưỡng với lắm buồn, vui trở thành những kỷ niệm đáng nhớ của chị. Chị Trang tâm đắc, đã làm công việc dính tới nghề y là phải có tâm và luôn rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn, vì đây là một nghề đặc biệt, đào tạo lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm cao.
Cũng theo chị Trang, mối quan hệ giữa điều dưỡng và bệnh nhân không phải là quan hệ “khách hàng” bình thường hay phương diện tài chính. Bệnh nhân luôn cần được cảm thông, chia sẻ. Thực tế có những nhu cầu khác nhau trong việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tùy khả năng từng gia đình, nhưng với chị người bệnh phải bảo đảm được điều trị cơ bản nhất.
6 năm công tác tại Khoa Nội hô hấp, BV Thống Nhất (TPHCM), tuy chưa dài nhưng đủ để điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Giàu rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong xử lý công việc. Nỗ lực, nhiệt huyết với nghề, chị trở thành một trong số ít điều dưỡng giỏi nhất của BV. Đặc biệt, chị còn sưu tầm được hơn 300 đầu sách, trong đó số nhiều viết về công tác điều dưỡng.
Anh Thái Nhân Em (40 tuổi, Khánh Hòa), thân nhân người bệnh tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc BV Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ: “Tôi ở đây chăm sóc người thân đã gần 2 tháng. Tận mắt chứng kiến công việc của các điều dưỡng mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Họ chạy ngược chạy xuôi hết chăm người này đến hỗ trợ bệnh nhân khác. Người hỏi cái này, người xin cái kia, người rên la trách móc. Bình thường phục vụ đã khó, khi đau bệnh họ càng khó chịu hơn. Bệnh nhân ở đây đa số bị suy hô hấp nặng, mọi công việc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều phải nhờ các điều dưỡng. Ai cũng nhiệt tình, chu đáo, nhờ vậy chúng tôi cũng yên tâm”.
Nghề điều dưỡng quá nhiều vất vả, áp lực, thiệt thòi về cơ chế, chính sách, nhưng bỏ qua tất cả, hạnh phúc nhất với chị An, chị Trang, chị Hồng và hàng ngàn điều dưỡng đang công tác tại các cơ sở y tế của TPHCM là mỗi ngày cùng kíp trực giành lại sự sống, sức khỏe cho người bệnh. Đó cũng chính là động lực, niềm vui giúp họ yên tâm, gắn bó hơn với nghề.
* PGS-TS-BS Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất TPHCM: Tạo thuận lợi để nâng cao trình độ, chuyên môn Điều dưỡng là bộ phận hết sức quan trọng không thể thiếu trong hệ thống y tế. Họ là những người hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, thực hiện y lệnh của bác sĩ, nắm bắt tình trạng, diễn biến sức khỏe, tâm lý của bệnh nhân và chăm sóc hướng dẫn, giải thích cho bệnh nhân nên chịu áp lực công việc rất lớn. Chính vì vậy, ban giám đốc BV luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi từ thời gian, môi trường làm việc, chế độ bồi dưỡng đến việc đào tạo liên tục nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử và các kỹ năng mềm khác như truyền thông, công nghệ thông tin cho đội ngũ điều dưỡng. KIM HUYỀN |