Tham nhũng tại Việt Nam liên tục giảm trong 3 năm qua

TPHCM đã có quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

* TPHCM đã có quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

(SGGP).- Ngày 23-6, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế với sự tham gia của một số tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam: Thụy Điển, Đan Mạch, Trung Quốc, Hàn Quốc cùng nhiều nhà nghiên cứu, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác PCTN tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo khẳng định, công tác Phòng chống tham nhũng (PCTN) luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.

Ông Chiến cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” và Luật PCTN, công tác này đã có nhiều chuyển biến, đạt được kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống. Trên một số lĩnh vực, hành vi tham nhũng có xu hướng giảm.

Theo công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế, liên tục 3 năm từ 2007 - 2009, thứ tự của Việt Nam năm sau đều cao hơn năm trước (giảm dần) trên bảng xếp hạng các nước có chỉ số tham nhũng cao, công tác PCTN đã góp phần thiết thực chống suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khởi tố 1.063 vụ án có liên quan đến tham nhũng, xét xử 1.070 vụ với 2.506 bị cáo. Nhìn chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng đã có những chuyển biến tiến bộ hơn, có tác dụng răn đe, góp phần quan trọng vào tạo sự chuyển biến tích cực trong cuộc đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả của công tác phòng, chống vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi.

Theo quan điểm đề xuất của Ban chỉ đạo, việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN có thể dựa trên 5 tiêu chí: Kết quả hoàn thiện của thể chế PCTN và kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa và số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý; đánh giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về PCTN; kết quả điều tra dư luận xã hội và qua báo chí; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội và tiêu chí cuối cùng là đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Theo đại diện Tổ chức minh bạch quốc tế, để xây dựng các tiêu chí đánh giá quản lý, điều hành và tham nhũng của mỗi quốc gia, cần sử dụng công cụ đo lường như: Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số đưa hối lộ; chẩn đoán về hệ thống liêm chính quốc gia (bộ máy PCTN ); giám sát, phân tích thực hiện công ước PCTN…. Tổ chức này quan niệm, tham nhũng là hành vi “lạm dụng công quyền để thu lợi cá nhân” và các khảo sát quốc tế là công cụ tin cậy nhất để xếp hạng mức độ tham nhũng của mỗi quốc gia.

* Ngày 22-6, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã ký ban hành Quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng trên địa bàn TP. Theo quy chế này, đối tượng được bảo vệ, khen thưởng là người phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi tham nhũng xảy ra ở các địa phương, cơ quan trên địa bàn TPHCM.

Thông tin và tài liệu do người phát hiện cung cấp, phản ánh cho cơ quan có thẩm quyền phải chính xác, được cơ quan thụ lý kết luận về tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng. Người phát hiện có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để bảo vệ người phát hiện tiêu cực.

Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin phản ánh hoặc theo yêu cầu của người phát hiện, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản gửi Ban Chỉ đạo TP về phòng chống tham nhũng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và trong 8 giờ, Ban Chỉ đạo phải yêu cầu lãnh đạo quận huyện, cơ quan có trách nhiệm ở địa phương thực hiện biện pháp bảo vệ.

Trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đối với người phát hiện tố cáo tiêu cực, Ban Chỉ đạo sẽ điện thoại yêu cầu chủ tịch UBND quận huyện thực hiện ngay biện pháp bảo vệ khẩn cấp. Nếu người phát hiện đã yêu cầu được bảo vệ nhưng vẫn bị đe dọa, trả thù, trù dập thì cơ quan có thẩm quyền được giao trách nhiệm bảo vệ sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Cơ quan được giao nhiệm vụ thụ lý, giải quyết thông tin là Thanh tra TP và quận huyện, Công an TP và quận huyện, Viện KSND TP và quận huyện, Thanh tra Sở ngành TP. Những cơ quan này phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin người phát hiện tiêu cực.

Căn cứ văn bản đề nghị của cơ quan thụ lý, người tố cáo tiêu cực sẽ được khen thưởng theo đúng quy định. Ngoài ra, tùy theo thành tích, người phát hiện còn được khen thưởng đột xuất đối với cá nhân, tập thể từ 1 triệu đến 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn do Chủ tịch UBND TP quyết định. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có tầm ảnh hưởng rộng, tài sản thu hồi có giá trị lớn thì TP sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ có hình thức khen và mức thưởng cao hơn. Việc bảo vệ, khen thưởng nói trên có thể được áp dụng nhiều lần cho cùng một đối tượng.

TPHCM là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước (trước đó là tỉnh Đồng Nai) ban hành quy chế bảo vệ, khen thưởng người phát hiện tham nhũng, lãng phí ở địa phương.


ANH MINH - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục