Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt gói kích thích kinh tế 3.500 tỷ yên (29 tỷ USD), trong đó trọng tâm là trợ giúp các khu vực nông thôn và các hộ gia đình khó khăn cũng như tăng đầu tư tái thiết sau thiên tai. Gói kích thích được công bố 2 tuần sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chiếm đa số tại cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Giờ đây, Thủ tướng Abe trông đợi gói kích thích này sẽ củng cố thêm chính sách kinh tế của ông, được gọi là Abenomics. Chính phủ Nhật Bản tin rằng gói kích thích có thể giúp GDP tăng lên 0,7%, nhưng nhiều nhà phân tích lại tỏ ra nghi ngờ.
Tờ New York Times nhận định: Gói kích thích kinh tế này cũng là cách thu hút cử tri trước các cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 4-2015. Liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ tự do (LDP) đứng đầu muốn tiếp tục củng cố quyền lực. Thực vậy, gói kích thích dành tới 1.800 tỷ yên để phân phối phiếu mua hàng, trợ giá nhiên liệu cho các hộ thu nhập thấp, giúp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ; 1.700 tỷ yên còn lại được phân bổ cho việc ngăn ngừa thiên tai và giúp tái thiết các vùng bị thiên tai, trong đó có các khu vực bị sóng thần năm 2011. Tokyo cũng sẽ tìm cách thúc đẩy thị trường nhà ở bằng cách hạ lãi suất thế chấp của cơ quan cho vay mua nhà của chính phủ.
New York Times dẫn lời ông Masaki Kuwahara, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Công ty chứng khoán Nomura, cho rằng: “Vẫn tốt hơn so với không làm gì cả, nhưng tôi không nghĩ rằng gói kích thích này sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy nền kinh tế”. Theo ông Kuwahara, thực ra gói này nhắm đến những đối tượng không được hưởng lợi từ chính sách Abenomics, vì vậy có thể tạo thuận lợi hơn cho liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới. Hơn nữa, gói này không có khả năng thúc đẩy chi tiêu dùng nên chỉ có thể tăng GDP khoảng 0,2%.
Các nhà phân tích cho rằng việc tăng lương ở các công ty lớn mới có thể thúc đẩy nền kinh tế và đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát. Doanh số bán lẻ khiêm tốn trong tháng 11 của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho thấy kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát giảm phát, bất chấp Thủ tướng Abe đã trì hoãn việc tăng thuế bán hàng. GDP của Nhật Bản giảm trung bình 1,9%/năm tính đến quý 3-2014 mặc dù đã bớt so với 6,7% trong quý 2-2014.
Tuy nhiên, việc hoãn thuế và tăng gói kích thích lại làm tăng mối lo ngại về nợ công. Theo Reuters, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tiếp tục gánh thêm nợ công mới khi chi tiêu từ ngân sách vượt quá dự báo. Tờ Japan Times cho biết nợ công của Nhật Bản hiện ở mức 1,2 triệu tỷ yên. Tờ báo này cho rằng thật không quá cường điệu khi nói rằng nền tài chính của Nhật Bản đã bị phá sản. Nhiều người dân Nhật Bản cho rằng vấn đề này không được đề cập trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua và dường như lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản chọn cách im lặng bởi vì họ sợ phải đối mặt với thực tế. Người dân Nhật Bản đặt câu hỏi ai sẽ là người phải gánh số nợ công cao như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng nếu số tiền được trả bằng tài sản của dân thông qua việc tăng thuế hoặc do lạm phát thì xem như người dân Nhật Bản bị phá sản như đã từng xảy ra thời kỳ cuối Thế chiến thứ hai.
THỤY VŨ