Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, Long An được quy hoạch xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện than (dự kiến đầu tư, vận hành từ năm 2024 - 2026). Hiện nay Tập đoàn Deawoo E&C đề xuất đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long An 1 (công suất 2 x 660MW) và Tổ hợp Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) cùng Công ty Vinakobalt đề xuất đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long An 2 (công suất 2 x 800MW). Trong quá trình triển khai lập quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dự kiến ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, với tổng diện tích sử dụng trên bờ và mặt nước trên 360ha. Nhiều ý kiến của người dân, nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện… tỏ ra lo ngại về ô nhiễm môi trường, vì vậy, UBND tỉnh cùng Bộ Công thương tổ chức buổi hội thảo để làm rõ hơn các vấn đề nêu trên.
Tại hội thảo này, nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than, nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại…
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Không thể đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế và cũng không thể vì nghèo mà hy sinh môi trường, sức khỏe người dân. Khi nói đến nhiệt điện than, hầu như chỉ xem xét mặt kinh tế, nhưng cũng chưa đầy đủ, toàn diện, trong khi sinh kế và sức khỏe người dân ít được quan tâm. Chi phí cho sức khỏe người dân bị tác động bởi nhà máy nhiệt điện than cũng như chi phí bảo vệ môi trường chưa được hạch toán vào chi phí của nhà máy. Nên khi xem xét để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nhiệt điện than cần phân tích khách quan và đầy đủ việc “được - mất” trên 3 mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Nhất là sinh kế và sức khỏe người dân.
Theo Quy hoạch Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam vào năm 2030, ĐBSCL sẽ thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, với tổng công suất là 18.270MWh (ước tính sử dụng hàng chục triệu tấn than/năm). Đây là một quyết định cần cân nhắc vì hậu quả đối với môi trường và sức khỏe người dân. Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường nghiêm túc cho từng nhà máy và báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cho các nhà máy nhiệt điện than tại ĐBSCL.
“Chủ trương không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế cũng phải áp dụng cho ĐBSCL” - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh và thể hiện ủng hộ sự lựa chọn của lãnh đạo tỉnh Long An về việc sử dụng khí hóa lỏng. Bởi sự lựa chọn này khả thi, vì những khó khăn có thể khắc phục, nếu Bộ Công thương chấp thuận.
Theo UBND tỉnh Long An, Quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An, với 2 dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện, sẽ góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng nguy cơ về ô nhiễm môi trường rất cao. Bởi không thể lường hết những khó khăn, phức tạp của dự án. Đây là dự án rất lớn, với nguồn vốn đầu tư trên 5 tỷ USD. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất trăn trở về dự án này. Quan điểm ưu tiên là sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng, nhằm hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nguyện vọng của người dân.
Được biết, Trung tâm Điện lực Long An là dự án năng lượng đầu tư theo hình thức BOT. Các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, điều khiển hoàn toàn tự động và đáp ứng tốt các yêu cầu bảo vệ môi trường. Các dự án khi vận hành hàng năm sản xuất khoảng 17 tỷ kWh, vừa tham gia cấp điện cho Long An, các tỉnh phía Nam và hệ thống điện quốc gia; vừa đóng góp nguồn thu vào ngân sách địa phương…