Từ hàng trăm năm qua, thói quen viếng chùa tháng Giêng đã trở thành nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của bao thế hệ người Việt. Đầu xuân, người người đi viếng chùa lễ Phật với lòng thành kính mục đích để cầu mong sự bình an, gia đình hạnh phúc, công việc luôn thuận lợi trong năm mới...
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Nói là tháng Giêng nhưng thực ra lâu nay, rất nhiều người dân TPHCM đã có thói quen viếng chùa bắt đầu ngay sau thời điểm giao thừa. Người ta quan niệm, khởi đầu một năm mới với việc đi chùa lễ Phật sẽ mang đến nhiều may mắn, phúc lộc cho gia đình và người thân trong năm mới. Thế nên, trong suốt những ngày tết cổ truyền của dân tộc, người dân vẫn nô nức viếng chùa cho đến hết tháng giêng, tuy nhiên cao điểm nhất là từ khoảng 11, 12 âm lịch đến rằm.
Ngoài những ngôi chùa lớn tại TPHCM như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc tự, Xá Lợi, Ngọc Hoàng, Hoằng Pháp, Huê Nghiêm 2, Nam Thiên Nhất Trụ…, người dân TPHCM và các tỉnh Nam bộ thường chọn hành hương lễ Phật đến chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang), chùa Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (ở Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu, chùa núi Châu Thới (ở Bình Dương) hoặc chùa Cổ Thạch, chùa trên núi Gia Lào (tỉnh Bình Thuận)…
Múa lân tại chùa Bà Bình Dương
Nhếch nhác từ các dịch vụ “ăn theo”
Từ nhiều năm nay, tại khu vực chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) đã không còn bóng dáng người ăn xin, tuy nhiên đội ngũ bán đồ cúng, lễ vật hùng hậu luôn bám riết lấy khách khiến không ít người phiền lòng. Vẫn còn tình trạng bày bán tràn lan chim phóng sinh, vẫn còn nạn chặt chém du khách tại các hàng quán ăn uống xung quanh chùa. Giá giữ xe tại các điểm giữ xe gần chùa được tính tùy vào từng thời điểm, thấp nhất từ khoảng 11 giờ đến 14 giờ, có giá 10.000 - 15.000 đồng/lượt xe máy. Các giờ còn lại giá mặc nhiên cao hơn, từ 20.000 - 40.000 đồng. Cá biệt, một bãi giữ xe (phía trước Công ty FPT) đã bị phạt 20 triệu đồng khi bị phản ánh tự ý nâng giá giữ xe… Điểm ấn tượng nhất ở chùa Bà Bình Dương mùa lễ hội năm nay là Ban tổ chức đã bố trí người đứng phát khăn lạnh, nước suối miễn phí ngay lối vào và đội ngũ xe ôm miễn phí (khi có việc khẩn cấp, ở cự ly gần), dịch vụ y tế để sơ cứu nhanh khi có sự cố.
Khách thập phương chen lấn cúng bái tại chùa Bà (Bình Dương)
Tương tự là hình ảnh ở chùa Bà Chúa Xứ ở Núi Sam. Tuy không còn cảnh người xin ăn nhếch nhác, nhưng đội ngũ bán đồ cúng, nhang đèn, gạo và vé số luôn chèo kéo, giành khách hỗn loạn. Xấu xí hơn cả là những hình ảnh ở chùa Bà Tây Ninh. Đội quân vé số, nhang đèn, gạo muối bao vây khách, khắp nơi ở khu vực sân chùa tràn ngập rác thải. Nhiều du khách thiếu ý thức, xả rác vô tội vạ nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng lực lượng bảo vệ nhắc nhở, chấn chỉnh.
Một hình ảnh xấu xí không kém là ở chùa trên núi Châu Thới (Bình Dương), dọc đường lên núi đội quân hàng rong và người xin ăn xếp hàng dày đặc, người dân viếng chùa vô tư xả rác khiến cảnh quan nơi đây ngập rác. Những bịch rác thả lềnh bềnh trên sông do khách thiếu ý thức và chủ các quán giải khát quăng xuống, rác ngập tràn trên lối vào chùa, cá phóng sinh chia sẵn từng bịch, chất đống bày bán… là hình ảnh ghi nhận được tại chùa Phước Long, còn được gọi chùa Bà Chúa Xứ 3 trên một cù lao giữa sông Đồng Nai, thuộc phường Long Bình, quận 9. Đáng nói, tiếng loa liên hồi của nhà chùa kêu gọi quyên góp tiền tu bổ chùa, tạc tượng, cúng sao, giải hạn... phát ra rả khiến không gian nơi này mất đi vẻ thanh tịnh.
Xây dựng nét đẹp và văn minh lễ hội
Ghi nhận của chúng tôi ngay cổng vào chùa Việt Nam Quốc tự (quận 10), nhà chùa đã treo bảng thông báo to, nội dung “để góp phần bảo vệ môi trường, đề nghị quý phật tử không thực hiện phóng sinh chim trong chùa. Hãy chuyển đổi từ hình thức phóng sinh sang thiện nguyện để được lợi ích xã hội nhiều hơn”. Nhà chùa còn bố trí người phát nhang miễn phí, đốt nhang cho khách viếng chùa, đồng thời khuyến cáo khách chỉ nên đốt 6 cây nhang và không nên đốt vàng mã! Không chỉ thế, chùa còn bố trí bãi giữ xe bên trong khuôn viên, không thu phí, người dân tùy hỷ đóng góp. Tuy cơ sở đang trong quá trình xây dựng vẫn còn ngổn ngang, nhưng ngay chánh điện tầng 1 của công trình mới, nhà chùa đã tổ chức quét dọn, trang hoàng sạch đẹp để người dân đến đây chiêm bái, lễ Phật. Tại khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) cũng vậy, người dân viếng chùa trong không khí trật tự, trang nghiêm. Nhà chùa bố trí người túc trực nhắc nhở khách viếng mỗi người chỉ nên thắp 3 nén nhang, bãi giữ xe theo giá quy định ngay trong khuôn viên. Nhiều năm qua, nhà chùa luôn chủ động triển khai kế hoạch để đảm bảo an toàn, văn minh trong lễ hội tháng giêng. “Nhà chùa phối hợp với lực lượng dân phòng, công an địa phương thực hiện phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự cho người dân trong lễ hội. Nhờ vậy nhiều năm nay đã không còn nạn trộm cắp, giật giọc, trà trộn móc túi du khách… trong khuôn viên chùa. Chúng tôi cũng vận động phật tử, người đến viếng chùa và cả các đám tang tổ chức tại chùa thực hiện không đốt vàng mã từ nhiều năm qua”, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho hay.
Thượng tọa Thích Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lợi, cho biết: “Cũng với chủ trương thực hiện nếp sống văn minh trong tang ma, lễ hội, chúng tôi không tổ chức viết sớ, cúng sao giải hạn, không đốt vàng mã cũng như không còn tình trạng ăn xin chèo kéo, bói quẻ chào mời trong khuôn viên chùa. Mỗi năm, chùa còn phối hợp các đơn vị tặng khách hành hương, phật tử khoảng 400.000 bản sách các loại vào những dịp lễ lớn như Phật đản, Vu Lan, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, trước năm 1954, hội làng ở miền Bắc quy củ và trang nghiêm. Các trò diễn mang tính biểu trưng, kể cả một số hội có cảnh diễn “cướp” lấy khước các linh vật đã qua tế lễ… Thế nhưng cảnh đi lễ du xuân ấy dường như đã rất xa và câu chuyện “tả tơi xem hội” có lẽ chưa khi nào lại đúng hơn lúc này. Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, đã đến lúc ngành văn hóa cần ngồi lại nhìn nhận một cách tổng thể quy hoạch lễ hội. Đưa lễ hội trở về với môi trường của chính người dân nơi đó, chứ không quảng bá biến lễ hội trở thành một công cụ kiếm tiền cho ngành du lịch. Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng cần nắn chỉnh những nghi lễ không phù hợp. “Đừng bắt di sản trở lại quá khứ mà làm cho di sản phù hợp với cộng đồng nên phải chấp nhận sự biến đổi như một cách tự nhiên”. Dưới góc nhìn của một người quản lý dịch vụ văn hóa thành công, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng vấn đề lộn xộn, trục lợi hay thương mại hóa lễ hội nếu xem xét kỹ sẽ thấy vấn đề quan trọng nằm ở khâu tổ chức, quản trị. Ông nói: “Các ban quản lý, ban tổ chức lễ hội không theo kịp với sự chuyển biến rất nhanh, sự hội nhập của xã hội cùng sự thay đổi tâm lý, nhu cầu của người dân…”. MAI AN |
AN PHƯƠNG HOA