Cú sút 11 mét luân lưu thành công của trung phong Lê Huỳnh Đức làm nhiều người nhẹ nhỏm. Chưa hẳn trong số đó là fan hâm mộ Huỳnh Đức, nhưng nhiều người có chung suy nghĩ không muốn chứng kiến một đoạn kết buồn của một ngôi sao.

Lê Huỳnh Đức với chiếc HCV Đại hội TDTT. Ảnh: Hoàng Vy.
Lê Huỳnh Đức xứng đáng được gọi là một “ngôi sao bóng đá”, vượt lên trên các ngôi sao khác trong cùng thời cả về thành tích cá nhân, sự tận tụy và độ dài tuổi thọ với nghề đá bóng. Ở cầu thủ này có đủ những chuyện vui, buồn, thăng trầm của dân “quần đùi, áo số”, mà trong phạm vi hạn hẹp, TIẾNG CÒI không muốn liệt kê hết ra đây.
Vấn đề là ở chỗ, sau đoạn kết khá có hậu vừa qua - cùng Đà Nẵng đoạt huy chương vàng môn bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc 2006, Lê Huỳnh Đức sẽ đi đâu, làm gì? Người con trai xứ Huế, trưởng thành từ “lò” bóng đá thành phố, nhưng đã không được cống hiến cho bóng đá thành phố, mà phải về cập bến sông Hàn từ mấy năm qua.
Anh đã được chính quyền, quần chúng Đà Nẵng coi như “công dân” thành phố, được đãi ngộ tương xứng và tạo điều kiện cống hiến ở đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ và sắp tới đây, sẽ trở thành ông thầy của lớp cầu thủ trẻ khi chuyển sang nghiệp huấn luyện viên.
TIẾNG CÒI ngồi trên khán đài xem Huỳnh Đức đấu trận cuối cùng mà thấy chạnh lòng cho bóng đá TPHCM. Họ đã vĩnh viễn mất một cầu thủ tài năng và tương lai sẽ mất một huấn luyện viên nhiệt tình. Họ bị mất món đồ quí giá mà dường như vẫn bình thản, vì tình yêu bóng đá thành phố thật sự không có trong tim họ.
Đôi lần trò chuyện cùng Đức, TIẾNG CÒI nhận thấy anh vẫn rất nhớ nơi đã giúp mình thành danh, mà mỗi khi có dịp quay về chơi trên sân Thống Nhất là những kỷ niệm xưa lại ùn ùn quay về. Thế nhưng, anh nói nhớ chỉ để mà nhớ …
Bất giác TIẾNG CÒI trộm nghĩ, cần lắm một trận cầu giã từ sân cỏ cho Lê Huỳnh Đức tổ chức ngay trên sân Thống Nhất, với một bên là đội bóng các ngôi sao bóng đá Việt Nam và một bên là đội Đà Nẵng. Vậy ai sẽ đứng ra làm việc này?
TIẾNG CÒI