Thăng trầm dòng kiều hối đổ về châu Á

16 tỷ USD cho phí chuyển tiền
Thăng trầm dòng kiều hối đổ về châu Á

Một báo cáo của LHQ công bố ngày 20-5 cho thấy lao động di dân châu Á trong năm 2012 đã gửi về nước khoảng 260 tỷ USD, nhiều hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới và gấp 5 lần viện trợ phát triển quốc tế. Tuy nhiên, để dòng tiền này về đến quê hương, người lao động châu Á phải mất một khoản phí khá cao, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng và các kế hoạch xóa đói giảm nghèo của khu vực.

Lao động nữ Philippines đang thi tuyển nhân viên chăm sóc trẻ.

Lao động nữ Philippines đang thi tuyển nhân viên chăm sóc trẻ.

16 tỷ USD cho phí chuyển tiền

Theo báo cáo được đưa ra tại Diễn đàn toàn cầu về kiều hối đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, hiện trên thế giới có khoảng 60 triệu lao động di dân châu Á. Số tiền mà họ gửi về nước chiếm tới 63% trong số 410 tỷ USD kiều hối của thế giới, nhiều hơn lượng kiều hối của các di dân châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Âu gộp lại, thậm chí còn cao hơn cả tổng số tiền viện trợ phát triển quốc tế dành cho châu Á. Ước tính, cứ 10 gia đình ở châu Á thì có một gia đình nhận được tiền của người thân ở nước ngoài gửi về, gấp 5 lần viện trợ phát triển chính thức.

Báo cáo trên cho biết 7 trong 10 nước nhận được nhiều kiều hối nhất theo thứ tự là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Sri Lanka. Có 9 nước có lượng kiều hối gửi về vượt quá 10% GDP, trong đó Kyrgyzstan và Tajikistan có lượng kiều hối đổ về cao nhất châu Á lần lượt là 32,2% và 51,6%.

Kiều hối đóng vai trò quan trọng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực của khu vực đông dân nhất thế giới trong bối cảnh các nguồn viện trợ đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, dòng tiền mặt này đang gánh quá nhiều lệ phí, như nhận định của Ngân hàng thế giới (WB). Phí gửi kiều hối về châu Á quá cao, chiếm đến 8,5% giá trị kiều hối gửi về. Chi phí cho những giao dịch chuyển tiền ước tính đến 16 tỷ USD hàng năm, tức khoảng 30 USD cho mỗi giao dịch.

Theo ông Kevin Cleaver, Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), cường độ của các dòng kiều hối chảy về châu Á rất mạnh, nhưng nếu chỉ một phần nhỏ, thậm chí chỉ 5% trong số dòng chảy kiều hối, tức khoảng 13 tỷ USD - nếu được đầu tư vào nông nghiệp cũng sẽ lớn hơn nhiều tổng số tiền viện trợ phát triển nông nghiệp chính thức trong năm 2012 với khoảng 8,5 tỷ USD.

Tìm cách thay đổi có lợi cho người dân

Mặc dù phần lớn các hộ gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài sống ở khu vực nông thôn, nhưng đến 65% địa điểm thanh toán lại nằm trong khu vực đô thị. Người nhận tiền phải mất thêm chi phí cho những chuyến đi xa mới có thể nhận được những đồng tiền mà người thân gửi về. Chuyên gia tài chính Massimo Cirassino của WB cho biết, nhiều công nhân di dân và gia đình không có tài khoản trong ngân hàng và chỉ có khoảng 1/4 số kiều hối nhận được là được để dành hay đầu tư. Họ chỉ tiếp xúc với khu vực tài chính khi nhận tiền mặt và họ tiêu xài cũng bằng tiền mặt. Do đó, nếu có thể tạo điều kiện mở tài khoản tín dụng, gia tăng các dịch vụ tài chính cho họ thì cũng góp phần giúp họ tiết kiệm và đầu tư sinh lợi.

Nếu 10% của 260 tỷ USD kiều hối gửi về châu Á hàng năm được dùng để đầu tư, và một nửa số 10% này được sử dụng trong nông nghiệp, tức khoảng 13 tỷ USD không những giúp nhiều gia đình ở nông thôn thịnh vượng hơn, mà còn góp phần thúc đẩy các nỗ lực xóa đói giảm nghèo. WB đang giúp các nước về mặt tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật theo khuôn khổ sáng kiến 5x5 của nhóm G20. Mục tiêu của tổ chức này là đến năm 2014, có thể giúp châu Á giảm phí chuyển kiều hối toàn cầu xuống 5%, giúp giữ lại 8,5 tỷ USD của người di cư và gia đình của họ ở châu Á.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục