Thăng trầm tranh bút lửa

Một ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ven đô để gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Phi Anh - một trong những người hiếm hoi còn hành nghề tranh bút lửa ở Đà Lạt.
Thăng trầm tranh bút lửa

Một ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ven đô để gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Phi Anh - một trong những người hiếm hoi còn hành nghề tranh bút lửa ở Đà Lạt.

Tranh đặc sản

Với một thiết bị ổn áp biến nguồn điện 220V sang 12V, trên đó có gắn “cây bút” giống mỏ hàn điện nhưng nhỏ gọn hơn, cùng những tấm gỗ bạch tùng, nghệ nhân Phi Anh đã tạo ra nhiều tác phẩm cầu kỳ, mê hoặc biết bao người yêu tranh.

Giới thiệu cách thức “chạm” một tác phẩm tranh bút lửa, nghệ nhân Phi Anh cho biết, việc đầu tiên là lựa chọn miếng gỗ bạch tùng có ở núi rừng Lâm Đồng, sau đó xử lý kích thước và làm nhẵn bề mặt bản vẽ. Gỗ bạch tùng có đường vân mờ, mịn, thích hợp riêng cho tranh bút lửa. Nghệ nhân Phi Anh cho biết, đã từng thử làm trên một số loại gỗ khác nhưng tất cả đều không đạt như gỗ bạch tùng có màu trắng sáng này. Trên ván gỗ, nghệ nhân điều khiển bút điều tiết nhiệt “chạm” để tạo ra nét đậm, nhạt theo ý muốn, tranh bút lửa chỉ cần một lỗi nhỏ coi như thất bại, phải làm lại từ đầu. Với các bức tranh chân dung, ông thường dùng bút chì phác họa tác phẩm trước, sau mới dùng bút lửa chạm lên gỗ.

Nghệ nhân Phi Anh đang hoàn chỉnh tác phẩm tranh bút lửa.

Tranh bút lửa một thời được nhiều người yêu thích, vì tạo được sự độc đáo trong bức tranh qua màu trắng của gỗ và màu đậm nhạt do ngọn lửa tạo ra. Khách ghé thăm Đà Lạt trước đây thường đem về bức tranh bút lửa làm kỷ niệm. Đó có thể là các tác phẩm về con người, phong cảnh Đà Lạt thơ mộng, một tòa kiến trúc Pháp tại Đà Lạt hay chân dung của chính khách hàng mà nghệ sĩ Phi Anh cùng những đồng nghiệp tạo ra. “Du khách thích tranh bút lửa vì đây cũng là đặc sản của Đà Lạt. Có lần, một gia đình người Đức tò mò, thích thú với tranh bút lửa, sau khi đặt hàng đã ở lại chờ mấy ngày để nhận tranh mới rời Đà Lạt”, nghệ nhân Phi Anh tự hào kể.

Người giữ lửa

Vốn đam mê hội họa, thấy người ta làm tranh bút lửa nên vào năm 1980, khi 28 tuổi, ông bắt đầu thử sức, rồi dấn thân theo loại hình nghệ thuật độc đáo này tới nay. “Tôi quen một người bạn làm đồ điện, sau đó nhờ người này cuốn cho cái máy, rồi bắt chước người khác vẽ tranh, sau khi đã quen tôi mới vẽ theo cách của riêng mình. Đà Lạt khi ấy tranh bút lửa đã phát triển thành nghề, nhiều người làm tranh, trào lưu mà gần như ai cũng có thể vẽ, nhưng hiện người làm nghệ thuật với tranh bút lửa không còn nhiều, do gánh nặng mưu sinh nên dần dà các họa sĩ vẽ tranh rời xa cây bút lửa. Để bám trụ, tôi phải làm nhiều thứ khác như đi vẽ biển quảng cáo, đắp tranh trên tường, phù điêu để “nuôi” đam mê với tranh bút lửa”, nghệ nhân Phi Anh kể.

Tới những năm 1990 của thế kỷ trước, khi gỗ bạch tùng khan hiếm, có người do tuổi cao nên gác bút, cũng có người không trụ được nên bỏ nghề, từ đó thời hoàng kim của tranh bút lửa Đà Lạt dần trôi qua. Sau này dường như chỉ còn nghệ nhân Phi Anh cần mẫn bên cây bút đồng tự chế để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa mà nhiều họa sĩ Đà Lạt trước đó từng làm. Ngày trước ông thường làm tranh hàng loạt, khổ nhỏ nhưng sau này ông chuyển dần sang làm theo chủ đề, vẽ tranh ít đi để tập trung vào những tác phẩm có tính mỹ thuật cao, sắc nét hơn. Tranh của ông thanh thoát, mịn màng, bồng bềnh như màn sương sớm Đà Lạt nên để lại nhiều dấu ấn trong lòng nhiều người.

Trong những lúc thăng trầm của nghề, điều an ủi với ông là khi trao mỗi tác phẩm đến tay khách, ông được đáp lại bằng những ánh mắt trân trọng, hài lòng, điều đó khiến ông càng cố gắng hơn. Say mê với nghề hơn 30 năm, bị cuốn hút bởi hương thơm nhẹ nhàng của gỗ bạch tùng, tranh của nghệ nhân Phi Anh vinh dự được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với tác phẩm “Bác Hồ trong hang Pác Bó”. Giờ đây, khi tuổi đã ngoài 60, ông vẫn trăn trở trong lòng làm sao giữ được ngọn lửa trên mặt gỗ luôn cháy, để loại hình nghệ thuật độc đáo, từng là niềm tự hào của thành phố du lịch Đà Lạt không mai một.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục