Thành công ở bước đầu

(SGGPO).- Ngày 21-8 (theo giờ Brazil), Olympic 2016 sẽ bế mạc. Với thể thao Việt Nam nói riêng, Olympic 2016 đã kết thúc sớm. Tối 18-8, nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa là người đã khép lại các cuộc tranh tài của thể thao Việt Nam tại Rio de Janeiro – một kỳ Olympic mà lãnh đạo ngành thể thao đã đánh giá thành công rực rỡ. Nhưng ở chừng mực nào đó, thể thao chúng ta mới chỉ thành công bước đầu về kết quả...

23 mảnh ghép tạo nên màu vàng, màu bạc huy chương

Thành tích đạt 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là kết quả kỳ tích của đội bắn súng Việt Nam và riêng tuyển thủ này cho thể thao Việt Nam tại một kỳ Olympic. Với tất cả những người đã và đang làm về thể thao, thành tích lịch sử ấy của Xuân Vinh cũng là kết quả chung đáng ghi nhận cho đoàn Việt Nam thi đấu tại Olympic 2016.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với chiếc HCV lịch sử

Lần đầu, thể thao nước nhà đạt con số 23 tuyển thủ thi đấu ở Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil). Trước khi Olympic 2016 khởi tranh, chúng ta đã có những kỳ vọng vào một số gương mặt cụ thể. Đáng tiếc, nhiều người trong số ấy không thành công như kết quả của Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ). Hay tuyển thủ vật nữ Nguyễn Thị Lụa không tạo được dấu ấn và dừng bước chỉ sau 1 trận. Hà Thanh và Phước Hưng (TDDC) không có thứ hạng cao. Ánh Viên (bơi) dự 3 cự ly nhưng chỉ ấn tượng với 400m hỗn hợp cá nhân (xếp hạng 9). Dù thế, kết quả vẫn chưa đúng mục tiêu đề ra là lọt vào chung kết nội dung.

Hẳn lẽ, người hâm mộ tiếc nhất vẫn là Tiến Minh. Tay vợt cầu lông nam đã thắng 2 trận ở vòng bảng và dừng bước khi thua Lin Dan (Trung Quốc). Nhưng, nhìn vào một tiến trình suốt 3 kỳ Olympic mà Minh đã dự, bao giờ người làm nghề cũng mong tay vợt của chúng ta lọt qua vòng loại để vào vòng chính. Dù vậy, Minh đều bất thành để lại nhiều thất vọng vì trực tiếp đã có 3 cơ hội lịch sử trong cuộc đời tại Olympic 2008, 2012 và 2016.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh (thứ hai, trái sang)

Trong 23 tuyển thủ, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), Văn Ngọc Tú (judo) là có kinh nghiệm từng dự ít nhất một kỳ Olympic trước đó. Dẫu sao, trong sự thất vọng của cử tạ hay một chút từ bơi, điền kinh, TDDC thì chúng ta có một số kết quả ghi nhận như chiến thắng đầu tiên từ judo (Văn Ngọc Tú), đấu kiếm (Đỗ Thị Anh, Vũ Thành An). Vũ Thị Trang trong lần đầu thi đấu Olympic đã thể hiện sự tự tin và có chiến thắng ghi dấu bản thân. Đặc biệt, kỳ tích 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đưa bắn súng Việt Nam đứng trong vị trí dẫn đầu Olympic 2016 tại nội dung súng ngắn nam.

Những tuyển thủ như Trần Quốc Cường (bắn súng), Vũ Thị Trang (cầu lông), Hoàng Quý Phước (bơi), Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý (rowing), Vũ Thành An, Nguyễn Lệ Dung, Đỗ Thị Anh, Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm), Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Tấn Tài (cử tạ) đều là người mới lần đầu thi đấu Olympic. Chúng ta hiểu rằng, trước một cuộc đấu lớn, VĐV gặp tâm lý căng cứng nên dễ cảm thông.

Kết quả 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio de Janeiro 2016 là thành tích tốt nhất của Việt Nam trong những lần thi đấu Olympic từ khi thể thao chúng ta hội nhập trở lại với thể thao Olympic thế giới. Kết quả cụ thể chưa hẳn xác định ngay một nền thể thao đã phát triển mạnh mẽ. Bởi vì, thời gian mới chứng minh được. Thành công về thành tích huy chương và một bước đầu ở chất lượng chuyên môn của các VĐV tại Olympic 2016 đã là tín hiệu mừng cho các HLV, VĐV và nhà quản lý thể thao Việt Nam tin về tương lai tươi sáng.

VĐV dự Olympic 2016 sau thi đấu đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quan tâm gặp gỡ khẳng định cần có những sự đầu tư mạnh mẽ hơn là tiền đề để ngành thể thao nói chung (ở đây cơ quan thực hiện trực tiếp là Tổng cục TDTT) có niềm tin phát triển đúng định hướng.

Công tác y tế có vấn đề?

Chúng ta hơi tiếc khi đã có những tuyển thủ giành vé Olympic 2016 nhưng đã phải nói lời từ biệt. Trong giai đoạn chuẩn bị tới Rio de Janeiro (Brazil), tay chèo rowing Phạm Thị Thảo đã phải ở nhà vì chấn thương đốt sống nặng.

Tại Olympic 2016, khi tất cả người hâm mộ chờ đợi vào Vũ Thị Hằng (48kg vật nữ) có thể làm nên chuyện, tuyển thủ này cũng không ra thi đấu. Tuyển thủ này tái phát chấn thương cột sống, thắt lưng và Tiểu ban y tế của BTC môn vật của Olympic 2016 đã có văn bản khẳng định Hằng không được phép thi đấu vì có thể dẫn đến nguy hiểm.

Rồi chuyện Thạch Kim Tuấn (cử tạ) tiết lộ vẫn đau gối trong những ngày tập tại Olympic 2016 sát giờ khai màn khiến tất cả mọi người không khỏi lo lắng. Chưa kể, những cái vai, đôi chân của các tuyển thủ TDDC, vật, kiếm ra thi đấu còn dán chằng chịt băng giảm đau thì thấy rõ, chuyện chấn thương là phải song hành. Đoàn thể thao Việt Nam đã phải tính toán kỹ lưỡng mới đăng ký quân số, danh sách tròn đủ 50 người (trong đó có 23 VĐV, 3 bác sĩ) dự Olympic 2016. Nhưng đúng là, đoàn thể thao nào cũng thật cần có đội ngũ y tế đông đảo đi cùng để đảm bảo tốt công tác phụ trợ cho những tuyển thủ của mình dù bất kể họ thuộc môn quan trọng hay không quan trọng.

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục