Nhìn lại giải vô địch Vovinam thế giới lần 2-2011

Thành công trong tình gia đình Vovinam

Sau 3 ngày tranh tài khá sôi nổi tại Nhà thi đấu Phú Thọ, giải đã khép lại tối ngày 30-7-2011. Đoàn chủ nhà Việt Nam bảo vệ ngôi vô địch toàn đoàn với 20HCV, 3HCB, 2HCĐ; một số vị trí tiếp theo thuộc về Iran (6, 2, 3), Pháp (4, 3, 11), Lào (3, 4, 5), Campuchia (1, 8, 3), Algeria (1, 6, 0), Indonesia (1, 5, 3), Italia (1, 4, 8), Rumani (1, 3, 1), Nga (1, 1, 5)… Bên cạnh đó, Pháp cũng giành giải phong cách.
Thành công trong tình gia đình Vovinam

Sau 3 ngày tranh tài khá sôi nổi tại Nhà thi đấu Phú Thọ, giải đã khép lại tối ngày 30-7-2011. Đoàn chủ nhà Việt Nam bảo vệ ngôi vô địch toàn đoàn với 20HCV, 3HCB, 2HCĐ; một số vị trí tiếp theo thuộc về Iran (6, 2, 3), Pháp (4, 3, 11), Lào (3, 4, 5), Campuchia (1, 8, 3), Algeria (1, 6, 0), Indonesia (1, 5, 3), Italia (1, 4, 8), Rumani (1, 3, 1), Nga (1, 1, 5)… Bên cạnh đó, Pháp cũng giành giải phong cách.

Theo nhận định chung của các đoàn, công tác tổ chức giải năm nay đang từng bước chuyên nghiệp hóa. Đây là nỗ lực rất lớn của Liên đoàn Vovinam thế giới và Ban tổ chức giải. Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam thế giới cũng đã kết nạp thêm các thành viên mới như: Vương quốc Anh, Algerie… Chất lượng thi đấu đã được nâng cao một bước so với giải lần đầu tiên năm 2009. Kết thúc giải, với sự hỗ trợ của Công viên văn hóa Đầm Sen, nhiều đoàn đã được tham quan, vui chơi tại đây trước lúc tạm biệt…

Gia đình Vovinam trước lúc tạm biệt. Ảnh: Nguyễn Nhân

Gia đình Vovinam trước lúc tạm biệt. Ảnh: Nguyễn Nhân

Điều đáng mừng là năm nay nội dung thi quyền được các nước quan tâm hơn - Iran, Nga đã có VĐV góp mặt ở nội dung này. Mặt khác, một vài VĐV nước ngoài cũng đã vượt qua Việt Nam để giành HCV ở nội dung thi quyền như: Tự vệ nữ, Tứ tượng côn pháp (Pháp), Thập thế bát thức quyền (Italia). Một điểm đáng chú ý là nếu như ở những giải quốc tế và thế giới tổ chức trước đây, các nước có phong trào lâu năm ở châu Âu thường giành thứ hạng cao ở nội dung thi quyền thì năm nay đã xuất hiện những nước ở khu vực châu Á như Lào, Campuchia, Indonesia. Điều này đã chứng tỏ Vovinam-Việt Võ Đạo phù hợp với thể tạng của người dân châu Á và cũng không gây khó khăn trong việc luyện tập của các dân tộc phương Tây.

Ở nội dung đấu đối kháng, các VĐV đã thể hiện được một số kỹ thuật đặc thù trong thi đấu và hạn chế rất nhiều tính sát phạt. Và với sự cố gắng tập luyện kỹ thuật Vovinam của các VĐV, hầu hết các nước tham dự giải đều giành được huy chương. Đặc biệt, qua nhiều ý kiến của các đoàn, hầu như tất cả đều cùng chung một ý tưởng là đã tìm thấy một không khí ấm áp và thân thiết giữa các thành viên của gia đình Vovinam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, giải năm nay cũng còn một số điểm cần rút kinh nghiệm. Dù các tình nguyện viên đã rất cố gắng chăm lo cho các đoàn nhưng công tác thông tin liên lạc giữa Ban tổ chức giải với các đoàn thông qua lực lượng này đôi lúc cũng chưa được thông suốt.

Về chuyên môn kỹ thuật, tuy có sự vươn lên rõ rệt nhưng nhìn chung giữa Việt Nam và các nước vẫn còn một khoảng cách trong thi quyền. Do nhu cầu phát triển, một số nước khu vực châu Á chỉ tập trung cho những bài thi mà chưa chú trọng đến những kỹ thuật căn bản. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác phát triển phong trào sau này vì thiếu những hạt nhân nòng cốt.

Trong thi đấu đối kháng, đòn chân của Vovinam là những kỹ thuật đặc thù và khi tung đòn thường lợi dụng lúc địch thủ sơ hở, bất ngờ, nên phải nhanh, mạnh trong lúc tiếp cận nên rất nguy hiểm, dễ gây tổn thương. Thế nên, cần nghiên cứu lại sao cho đảm bảo an toàn ở cả tấn công lẫn phòng thủ.

Công tác trọng tài, dù đã được tập huấn khá chu đáo nhưng vẫn không tránh khỏi một vài trận đấu mà người xem vẫn còn cho là có chút thiên vị, địa phương tính. Ngay cả những điều chỉnh, sửa đổi trong luật thi đấu cũng nên thông báo cho các đoàn trước 1 năm.

Có thể khẳng định, giải năm nay đã tiến bộ và thành công tốt đẹp, đạt tiêu đề ra ban đầu của Liên đoàn Vovinam thế giới là quảng bá, đoàn kết và thu hút thêm người tập. Một vài thiếu sót không thể tránh khỏi nhưng không đáng kể.

Vấn đề còn lại là Ban Kỹ thuật của Liên đoàn thế giới cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của những nước mới phát triển. Nhiều đoàn còn mong muốn trước khi bước vào những giải đấu cấp châu lục và thế giới, bên cạnh lớp tập huấn trọng tài cần có một lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao hoặc sửa chữa những khiếm khuyết. 

TRÚC QUỲNH

Tin cùng chuyên mục