Vòng chung kết Dunhill Cup 1998 tổ chức ở Nghệ An, 18 người con xứ Thanh của 8 đội bóng dự vòng chung kết năm ấy họp mặt trong một bữa tiệc nhẹ. Bất chợt, Văn Sỹ Hùng nâng ly và nói: "Thanh Hóa mình ì ạch mãi một đội bóng đá hoài chưa lên hạng đội mạnh, bây giờ, thế hệ cầu thủ xứ Thanh đi tứ xứ như chúng mình hợp lại thành một đội bóng thì Thanh Hóa sẽ vô địch…". 9 năm sau, người Thanh Hóa vẫn đủ tự hào để nghĩ đến cái điều mà Sỹ Hùng ngày nào từng ao ước…

Trong buổi tiệc hôm ấy, mạnh miệng và to tiếng nhất là các cầu thủ xứ Thanh khoác áo Thể Công, CA Hà Nội và SLNA như Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần hay Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Trung Phong, anh em Văn Sỹ Hùng… Gọi là tiệc cho sang chứ thực chất chỉ là bia hơi với đậu phụng và vài món mặn ăn vội, ăn vàng. Chủ yếu vẫn là cơ hội để các cầu thủ xa xứ gặp mặt và để tự hào mình là người Thanh Hóa.
Trong cái sướng của những cầu thủ hôm ấy, tôi cũng nghe được rất nhiều tiếng thở dài tiếc nuối. Hoàng Trung Phong nói trong hơi men: "Tỉnh nghèo cũng là một cái tội. Bọn chúng em trưởng thành từ cái nôi Thanh Hóa, nhưng lúc được các đội khác xin về, chính các thầy cũng khuyên nên đi để phát triển vì tỉnh mình chỉ đến đấy và không đầu tư thì lấy gì các em phát triển". Nói rồi Trung Phong chỉ sang các cầu thủ gốc Thanh Hóa đang khoác áo đội tuyển như Văn Sỹ Hùng, Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần và tâm sự: "Những tài năng ấy không xa xứ thì mãi mãi chỉ là một cầu thủ hạng Nhì. Nó là niềm tự hào của người xứ Thanh, nhưng lại là nỗi đau của bóng đá địa phương chúng em".
Từ đấy đến nay đã 9 năm. Lứa cầu thủ Thanh Hóa xa xứ ngày nào giờ mỗi người mỗi ngã. Quang Hà làm kinh tế nhưng "máu" quá, thế là cầm đội bóng đá hạng Nhì; Hoàng Trung Phong giờ là cảnh sát giao thông có hạng ở huyện Thanh Trì; Sỹ Hùng, Sỹ Thủy vừa mở lò đào tạo bóng đá vừa thử vận huấn luyện viên nhưng gãy; Như Thuần đang cống hiến giai đoạn cuối đời cầu thủ cho bóng đá thủ đô… Tuy nhiên, những lứa sau họ, bóng đá Thanh Hóa vẫn sản sinh ra những cầu thủ chất lượng. Trước thế hệ hiện nay đang đá V-League 2007 và làm nên một hiện tượng chưa biết thua trên sân bóng (chỉ thua vì BTC xử 0-3 trước Đà Nẵng do sự cố vỡ sân), Thanh Hóa đã từng có lứa Lê Hồng Minh nổi tiếng (cả tốt lẫn xấu) ở sân chơi U-21, đồng thời là mảnh đất màu mỡ để các đội giàu tiền, giàu bạc chăm chăm bắt quân.
Cũng có những "giai thoại" về đội bóng xứ Thanh từ hồi ông Hoàng Mạnh Quyến còn nắm đội cho đến sau này. Đó là những mùa giải lên hạng bao giờ họ cũng thi đấu thật hay và thật máu ở vòng ngoài, nhưng đến giai đoạn quyết định thì thua "đau". Cái đau của một đội bóng nghèo biết rằng có lên hạng cũng vô ích, vì không đủ lực và không có tiền để trụ hạng!
Sau thời gian dài thì bóng đá xứ Thanh đã có thể nở mặt nở mày với những chỉ tiêu và mục tiêu cụ thể, dù tỉnh vẫn còn phải khắc phục cái nghèo. Họ quyết lên hạng và giữ hạng với những chính sách mới. Halida ngày nào còn gắn bó với màu vàng xứ Nghệ giờ cũng chuyển chỗ về với bóng đá xứ Thanh. Sức sống sân Vinh ngày nào và Chùa Cuối cách đây vài năm, giờ phải nhường bước cho cho chảo lửa đến cuồng nhiệt và say bóng đá của người dân xứ Thanh.
Câu chuyện bên bàn nhậu của các cầu thủ xa xứ 9 năm trước giờ đã thành hiện thực ở vế đầu. Cái vế xứ Thanh có đội bóng ở hạng đầu và quy tụ được nhiều cầu thủ giỏi với nhiều chế độ ưu đãi. Từ đó, người xứ Thanh lại nuôi thêm cái vế vô địch và giờ đây họ đang tự hào với thành tích vô địch trên sân bóng.

"Tướng" Trần Văn Phúc khi còn nắm đội Thanh Hóa ở hạng Nhất cho biết: "Tôi chưa thấy ở đâu mê và khát khao bóng đá như Thanh Hóa. Đấy là một động lực rất lớn cho những bước tiến và là tiền đề cho sự thành công của một đội bóng". Và có lẽ đó cũng là lý do ông Phúc "chuyển hộ khẩu" từ Hải Phòng về gắn với cái nôi bóng đá Thanh Hóa lâu hơn, nhiều hơn để phục vụ cho một chiến lược đường dài.
Bóng đá Thanh Hóa đang vô địch trên nhiều mặt dù họ là tân binh. Quật ngã ông lớn Gạch trên sân Gạch, đè bẹp Sông Lam giữa thánh địa Vinh. Chiều Chủ nhật rồi, họ lại suýt cho đại gia Hoàng Anh Gia Lai ngậm ngùi ở Pleiku…
Thanh Hóa đến giờ đang là đội "vô địch" và cũng là đội bóng khó giải mã nhất, ngoại trừ một yếu tố mà ai cũng ngại và cũng biết là họ đá bằng tinh thần và đá vì lòng tự hào của người hâm mộ xứ Thanh.
Với cái đà này, với cái sự nhiệt tình của một tân binh và lòng tự hào lẫn tính truyền thống của các cầu thủ xứ Thanh, nếu Thanh Hóa có vô địch thật thì cũng chẳng có gì lạ. Họ đang đá với một tinh thần và một suy nghĩ khác hẳn với trước đây mỗi khi gần lên hạng thì lại sợ hết vốn cho mùa tới.
Cái lời hôm nay của Thanh Hóa đã được tích lũy từ rất lâu và chắc chắn trong đó có cả cái tình của 18 con người xa xứ mà 9 năm trước làm một bữa tiệc cho người xứ Thanh.
NGUYỄN NGUYÊN
