Chiếc tàu cao tốc sơn trắng rời thành phố Cà Mau, xé nước hướng về Đất Mũi. Tàu chật cứng nhưng cứ đến mỗi bến đậu, khách lên thì ít khách xuống lại thêm. Có khách đón dọc đường, đứng trên mấy cọc cầu dừa cheo leo giữa sông nước mênh mông như Rô-bin-sơn nơi hoang đảo và cũng được tàu ghé rước để đi Thanh minh “tảo mộ”.
Tôi hòa vào dòng người về Đất Mũi với gánh nặng đặc biệt của đứa cháu “đích tôn”: lấy cốt ông nội tôi đưa về quê gốc Bằng Tăng (phường Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ) để an táng bên cạnh mộ bà cố (mẹ ông) và bà nội chúng tôi (vợ ông). Ông tôi rời quê đi Đất Mũi cùng lưu dân quả cảm Cà Mau khai đường mở lối kiếm ăn từ đầu thế kỷ trước và mất cách nay ngót trăm năm. Lúc đó, rừng rậm heo hút, U Minh chướng khí mịt mùng/Hùm tha sấu bắt lạnh lùng ai hay. Trong kháng chiến chống Pháp, bác tôi có lần mò về Đất Mũi tìm mộ với chiếc xuồng con giữa mênh mông sông nước. Chúng tôi chỉ được biết ông nội có thêm một cô con gái với bà nội sau (các con ông sinh ở quê toàn là trai). Rồi chống Mỹ ác liệt gian khổ gấp nhiều lần, con cháu chỉ biết hướng về mũi Cà Mau mà vọng bái.
Sau ngày giải phóng, cuộc sống khó khăn nhiều bề, nhưng con cháu cũng lần về và tìm kiếm nhau. Hóa ra chúng tôi có hơn mười em trai gái nữa, ai cũng tham gia cách mạng, có người trong nhà treo huân, huy chương kháng chiến. Anh em gốc Bằng Tăng có người cũng nổi tiếng, như anh Trần Bửu Kiếm của tôi, người cùng đoàn đại biểu Quốc hội khóa đầu của Nam bộ ra Việt Bắc gặp Bác Hồ, cũng là người dẫn đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng sang Paris hội đàm với Mỹ. Con cháu hôm nay cũng là từ ông nội ông ngoại đó mà ra. Công lao ông đâu có nhỏ. Nhưng gần trăm năm đã qua, lớp con ông tôi đã mất lâu rồi, lớp cháu cũng mất mát nhiều, còn thì trên dưới tám mươi tuổi. Vì vậy, tôi là con trai người trai út của ông phải làm nhiệm vụ đứa cháu “đích tôn”. Tôi ngắm sông Bảy Háp, qua Chà Là, Bà Hính, Đầm Cùng... những nơi tôi đã sống và được bà con nuôi dưỡng ngày kháng chiến chống Pháp, ngó cây đước, cây mắm chạy lướt qua tàu mà lòng dạ bồi hồi với những gì đã là máu thịt, mấy chục năm sống làm người vụt chạy lướt qua.
Sáng hôm sau, khi trời vừa đâm mây ngang, từ nhà chú em út, cháu ngoại ông tôi ở vịnh Nước Sôi, chúng tôi nổ máy hướng xuồng ra Đất Mũi. Xuồng chạy trên rạch Ông Trang giữa màu xanh rừng đước bạt ngàn, xuyên qua những lạch nhỏ đi tắt trong rừng mà chỉ người ở đây mới biết. Những chang đước lớn vạm vỡ, chắc cụi bao quanh như thò ra ôm ấp tôi. Nhớ biết bao những ngày kháng chiến, lá rừng, chang đước che chở, nuôi nấng mình. Nhớ những lần vào rừng lấy gỗ nảy ra chi tiết gỗ đước đè gãy chân trong truyện Một chiều thứ bảy, hay đêm ngủ chung mùng với người bạn gái trong Ánh trăng lóng lánh, hoặc cắm xuồng mắc mùng trên nhánh đước, ngủ chờ con nước thuận, đến khi tỉnh dậy, nước ròng, mùng treo lơ lửng trên cây cũng thành chi tiết đi vào tiểu thuyết Một thời dang dở. Cà Mau không chỉ nuôi dưỡng tôi kháng chiến mà còn cho tôi nương tựa khi bước đầu tập tễnh nghề văn.
Hơn nửa giờ luồn lách, chúng tôi ra tới Kinh Cùng. Nhà cửa, dân cư trông rộn rã. Mộ ông tôi ngày xưa chôn sát mép biển ở Rạch Gốc, qua mấy mươi năm sóng gió dập vùi, đất sạt lở, mộ suýt bị nước cuốn trôi. Các em tôi vội mang hài cốt, cải táng sâu vào bên trong. Nay thì chỗ cũ, kể cả rạch Đường Đào đã bị biển ăn mất rồi. Và biển còn ăn tiếp.
Em tôi cho xuồng rướn lên bãi. Chúng tôi đi chân trần trên đất nhão. Những bụi cỏ nước mặn đâm chân tôi khá đau, thứ cỏ ngày xưa tôi bước đi như bước trên thảm đỡ. Hay mình đã quá xa lạ với dòng sữa đã nuôi nấng ta nên người.
Em tôi chỉ nấm đất: Mộ ông đó. Tôi bày nhang đèn, hoa quả, thắp hương làm lễ đúng như các chị tôi đã dặn, mời ông theo con về yên nghỉ tại quê hương. Đêm qua, chúng tôi thức cả đêm hàn huyên, nhắc về ông bà cha mẹ. Em gái tôi nói hôm trước em nằm mơ thấy ông về, tóc bạc phơ, tươi cười bảo ông vui lắm vì sắp được trở lại quê nhà, tuy lớp cháu chắt ngồi quanh nhiều người trên dưới tám mươi đã có ai biết mặt ông đâu. Và cùng một niềm phấp phỏng: ông mất ngót trăm năm, chẳng biết xương cốt có còn. Chúng tôi đã mang sẵn theo một hũ đựng tro như các hũ đặt ở chùa, nếu không còn cốt thì hốt lấy đất.
Lễ xong, hai đứa cháu động xẻng. Em tôi bảo lúc cải táng ông cách nay dăm chục năm, ông được đặt trong một chiếc khạp (chum miệng rộng, tráng men). Chỉ mươi xẻng đất, nắp khạp đã lộ ra. Mở nắp: qua làn nước trong văn vắt thấy rõ xương vẫn còn nguyên! Chúng tôi reo lên vì vui sướng. Lập tức, tin vui truyền khắp anh em con cháu ở Cà Mau, Cần Thơ, Sài Gòn. Tôi xắn tay áo, nâng ống xương đầu tiên lên mặt đất, lòng tràn xúc động. Mọi thứ còn đủ. Chúng tôi vét cả những gì còn lại trong khạp mang lên.
Trên đường về, khoang tàu cao tốc hôm nay rộng rinh, tuy chúng tôi có thêm mấy em gái, vừa mừng vừa tủi, theo anh tiễn ông ngoại về tận quê nhà.
Tối đó, ti vi phát tin lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Tôi tự hỏi: có nước nào như nước ta, thờ cúng ông bà thành như một “đạo”.
Và có ngày giỗ Tổ chung đã thành quốc lễ hàng năm
TRẦN THANH GIAO