Làng nghề thủ công truyền thống tại TPHCM một thời hưng thịnh với sự đa dạng và quy mô hoạt động. Đến nay, do quá trình phát triển đô thị, trong đó có cả sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các làng nghề thủ công đứng trước nguy cơ mất dần hoặc biến tướng. Trong làn sóng đó, một bộ phận thanh niên đã bỏ làng ra TP lập nghiệp, một số khác ở lại trăn trở tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống quê hương mình.
Các công nhân trẻ làm đàn tại xưởng sản xuất đàn Ba Đờn. Ảnh: PHAN THUẬN
Quyết tâm níu nghề
Những làng nghề nổi tiếng ở TPHCM một thời phát triển rất hưng thịnh và trù phú, có những làng nghề có tuổi đời đến hàng thế kỷ như làng dệt chiếu Bình An (quận 8), làng bao giấy Bình Đông (quận 8), xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11), làng dệt chiếu Bến Hải (quận Gò Vấp), làng nem Thủ Đức… Qua thời gian, những làng nghề dần mai một vì thiếu đầu ra, chất lượng thả nổi và thiếu người tâm huyết gắn bó với nghề, nhất là người trẻ. Đứng trước nguy cơ đó, nhiều bạn trẻ đã quyết tâm níu nghề của ông cha mình dựng lên.
Anh Tuấn Anh, công nhân cơ sở sản xuất đàn Ba Đờn (Bình Chánh), cho biết: “Ngay từ nhỏ, nghề đã nuôi tôi lớn, nên tôi khá gắn bó với công việc này. Làm đàn, tôi đã nuôi cả gia đình. Dù cực khổ vì cặm cụi cả ngày lại bụi bặm hơn các nghề khác nhưng theo riết, tôi quen và yêu nghề luôn lúc nào không biết”.
Cơ sở sản xuất đàn Ba Đờn có hơn 300 công nhân, nhưng hầu hết đều là những thanh niên địa phương. Công việc ổn định thu nhập tốt và giải quyết lao động cho hàng trăm thanh niên trong xóm. Anh Nguyễn Văn Tuấn (người con thứ 6 của ông Nguyễn Văn Trân - nghệ nhân Ba Đờn) chia sẻ: “16 tuổi, tôi theo ba học làm đàn, ba chỉ, rồi anh Hai, anh Ba, anh Tư chỉ cách làm, tôi yêu nghề lúc nào không hay. Ba tôi giờ già yếu, truyền lại nghề làm đàn cho các anh em. Hiện nay 6 anh em chúng tôi phát triển nghề này rất tốt, tương lai sẽ truyền lại cho các cháu để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống mà cha ông đã để lại”.
Nằm bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm, làng bếp lò Phú Định, làng nghề lò đất một thời nổi danh, nay nằm lọt thỏm giữa cầu Rạch Cây và cầu Phú Định. Hiện nay cơ sở Năm Tiếp là cơ sở cuối cùng của làng nghề này. Những người thợ như mắc nợ với nghề, sinh ra thấy nghề, lớn lên được cha, anh dạy nghề rồi theo nghề cho đến nay mặc dù tiền công thấp nhưng cũng bám riết lấy nghề. Tạ Khai Hưng (22 tuổi) là thợ trẻ nhất trong xưởng Năm Tiếp, nhưng đã làm nghề này hơn 9 năm. Từ khi còn là cậu bé 13 tuổi, hàng ngày thấy mấy cậu, chú trong nhà nặn ông lò, Hưng mê, tập tành làm theo và làm luôn tới giờ. Hưng chia sẻ: “Chắc em không bỏ nghề này được, chừng nào xưởng của cậu Năm còn làm thì em vẫn sẽ theo”.
Đổi mới để tồn tại
Nghề làm đàn của ông Ba Đờn đã có thương hiệu lớn từ những năm 1960, nay nghề làm đàn đã chuyển qua 3 thế hệ. Từ một cơ sở sản xuất đàn quy mô nhỏ với vài ba người thợ ở quận 4, đến nay cơ sở sản xuất đã chuyển sang cơ sở mới với diện tích rộng hơn và số lượng người lao động lên đến 300 người, hàng tháng sản xuất 2.000 - 5.000 cây đàn cung ứng cho thị trường. Đàn Ba Đờn không chỉ cung ứng cho thị trường TPHCM mà còn vươn xa các tỉnh và các nước lân cận.
Nhờ nối nghiệp, một phần muốn phát triển nghề, con cháu ông Ba Đờn đã cùng chung tay mở rộng quy mô sản xuất cả về chất lượng lẫn số lượng, đa dạng hóa sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng. Nhiều thanh niên đã mạnh dạn đổi mới cách làm, tiếp cận với khách hàng trên các trang mạng xã hội, website để quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Anh Nguyên (con thứ 4 của nghệ nhân Ba Đờn) là một trong số những người con thạo việc nhất. Không chỉ là nghệ nhân có tay nghề cao, anh còn rất giỏi trong việc giao tiếp với khách hàng, phân phối phát triển sản xuất nghề làm đàn gia truyền của gia đình. Anh Nguyên chia sẻ: “Ngày nay khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, máy móc ngày càng hiện đại nhưng nghề làm đàn đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ nên các công đoạn đều phải thực hiện thủ công. Chất lượng cây đàn tốt, phát ra âm thanh chuẩn được làm bởi những người thợ có tay nghề cho nên sản phẩm đàn Ba Đờn luôn có chỗ đứng trên thị trường”.
Cũng như các làng nghề truyền thống khác, làng nghề đúc lư đồng An Hội (Gò Vấp) như tiếng đàn, tiếng sáo, lúc thăng lúc trầm. Từ xóm nghèo thành làng nghề sung túc, giờ chỉ là xóm nhỏ sản xuất lư đồng. Nằm giữa lòng thành phố hiện đại, làng vẫn đang gồng mình giữ lửa cho làng nghề. Vài chục cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Duy Cung cách đây hơn chục nằm, giờ chỉ còn vỏn vẹn năm ba cơ sở. Nghề làm lư cực là thế, kinh tế khó khăn... nhưng những người trẻ làm nghề ở đây, như anh Trần Cao Trí (cơ sở sản xuất Ba Cồ) khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì phát triển và tìm hướng tốt nhất để tạo ra sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn nhằm phát triển làng nghề.
THÀNH SƠN