LTS: Nhân dịp Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, có một sự trùng hợp thú vị: Đội Văn công TNXP một thời được yêu mến và nhà văn Nguyễn Đông Thức, một cây bút trưởng thành từ phong trào TNXP, cùng cho ra tác phẩm mới: Album Nhớ mãi một thời và tập truyện ngắn Không quên. Ngay cả nhan đề cũng gặp nhau: “Nhớ mãi” và “Không quên” chỉ là một, cho thấy những tâm tình của tuổi trẻ tươi đẹp ngày nào vẫn luôn luôn tỏa sáng với thời gian. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng là một cây bút xuất thân từ TNXP, trực tiếp viết lời giới thiệu cho hai tác phẩm này...
1. Nhớ mãi một thời
Mới đó, mà hơn 30 năm đã trôi qua, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi ngày nào đã trở thành những trung niên và Lực lượng TNXP TPHCM đã tròn 35 tuổi. Những ngày này, tôi ngồi nghe lại những ca khúc TNXP mà tưởng như đang ôn lại thời tuổi trẻ của mình.]
So với những bài hát thời thượng bây giờ, những ca khúc ấy thoạt nghe ngỡ rất xa xôi nhưng tâm tình trong từng lời ca nốt nhạc lại gần gũi đến mức tôi không kềm được những nôn nao xao xuyến. Đã quen với sứ mạng của tuổi trẻ hôm nay: chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ, sản xuất robot, chế tạo các phần mềm tin học, bây giờ nhớ lại có một lứa tuổi 20 đi khai hoang, trồng lúa, đào kênh, dựng nhà, bắc cầu, cáng thương, tải đạn mới thấy bồi hồi về một giai đoạn khó khăn của đất nước.
Qua những ca khúc thân thiết này, hiện lên một lớp thanh niên trẻ trung, yêu đời, đa số xuất thân từ học sinh, sinh viên còn nguyên vẹn nét hồn nhiên trong sáng, ngay cả khi đối diện với cái chết. Tuổi trẻ ấy không quản ngại gian lao, không chùn chân trước hiểm nguy, nhưng vẫn đầy ắp trong tâm hồn những mơ mộng tuổi 20, những xao xuyến về tình yêu bên cạnh tình quê hương, tình đồng đội.
Một thời, những ca khúc rực lửa nhưng không kém phần trữ tình này đã vượt ra ngoài khuôn khổ TNXP để trở thành biểu tượng tinh thần đáng tự hào của thanh niên thành phố. Nó không chỉ phản ánh cuộc sống của một thế hệ gánh trên vai sứ mệnh “xây dựng lại đất nước sau chiến tranh” và ngay sau đó là tham dự trực tiếp vào cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, mà còn là tiếng nói tâm tình của một tuổi trẻ yêu nước, sôi động, lãng mạn và nhiều hoài bão. Tiếng nói ấy, tâm tình ấy một thời gian dài đã thôi thúc, đã réo gọi hàng hàng lớp lớp thanh niên “chào tạm biệt thành phố yêu dấu” để lên đường vệ quốc và hàn gắn bao vết thương trên đất đai xứ sở thời kỳ hậu chiến.
Không phải là sản phẩm thuần túy của trí thông minh, các ca khúc mà bạn sẽ được nghe trong album này được thai nghén và sinh ra từ mồ hôi, nước mắt và máu của cuộc sống. Các ca khúc này được thực hiện và trình bày qua giọng ca của các anh chị em trong đội văn công TNXP ngày nào càng khiến album trên tay bạn thêm nhiều ý nghĩa.
Có thể thanh sắc của những người trình bày đã ở bên kia sườn dốc của thời gian, nhưng có hề gì, khi tâm tình đồng đội và tình yêu đất nước được chuyên chở trong album này vẫn luôn ở trên đỉnh cao, mãi mãi ở trên đỉnh cao.
Vì lẽ đó, tôi tin album Nhớ mãi một thời ra đời không chỉ nhằm lưu giữ kỷ niệm mà còn góp phần truyền lửa cho tuổi trẻ hôm nay, đốt nóng sự nhiệt tình và có giá trị nhắc nhở khi mà nghĩa vụ bảo vệ và xây dựng đất nước cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Những ca khúc này xưa mà không cũ là vì vậy.
2. Không quên
Xưa nay, hầu như mỗi nhà văn đều có một vùng quê thân thuộc trong văn chương. Vùng quê đó là nơi chốn gắn bó nhất, máu thịt nhất với người viết: đi đâu nhà văn cũng mang theo vùng quê đó trong tâm tưởng. Mỗi khi ngòi bút chạm đến vùng quê này, những trang viết của nhà văn bao giờ cũng tỏa sáng một cách đặc biệt. Những trang thơ hay nhất của Nguyễn Duy là những trang thơ về Thanh Hóa, cũng như những trang văn hay nhất của Nguyễn Quang Sáng là những trang văn nhắc đến An Giang.
Với Nguyễn Đông Thức, vùng quê thân thuộc nhất của anh, lạ thay, lại không phải là một địa danh. Đó là môi trường TNXP, một trường đại học của tuổi trẻ những năm sau 1975. Những truyện dài quan trọng nhất của Nguyễn Đông Thức đều viết về đề tài TNXP: Ngọc trong đá, Trăm sông về biển. Các truyện ngắn về đề tài này cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn trong sáng tác của anh. Những ngày tháng Nguyễn Đông Thức sống trong đội ngũ TNXP không dài, khoảng chừng 3 năm. Nhưng ở đời, chính chất lượng cuộc sống chứ không phải thời lượng cuộc sống quyết định đến tính cách con người, trong trường hợp này, quyết định đến một diện mạo văn chương.
Đọc tập truyện Không quên của anh, chúng ta sẽ thấy không chỉ anh đang tìm cách định nghĩa TNXP mà TNXP cũng đang định nghĩa Nguyễn Đông Thức.
NGUYỄN NHẬT ÁNH