Đổi đời nhờ học tập, làm việc
Căn nhà bà Trương Thị Thanh Thúy (sinh năm 1959, phường 15 quận 5, TPHCM) là một không gian bài trí xinh xắn. Trong phòng khách, một bộ salon giản dị, bàn được phủ khăn, ghế ngồi có sẵn những chiếc nệm điểm xuyết hoa văn lịch lãm. Tất cả toát lên sự khiêm nhường, tinh tế và hài hòa. Gia chủ thư thái, cười rạng rỡ rót trà mời khách. Không ai nghĩ rằng, mới 3 năm trước, gia đình bà Thúy còn nằm trong diện hộ cận nghèo. Nhớ lại những tháng ngày vất vả, bà Thúy xúc động chia sẻ, lúc đó chồng bà bị mất sức lao động, hai con gái thì đang tuổi ăn học. Ngôi nhà đang ở lụp xụp, xuống cấp như muốn sập, mái nhà thủng lỗ chỗ nhìn rõ ánh mặt trời. Một mình bà Thúy là trụ đỡ chính lại không có việc làm, không vốn liếng, làm sao có thể gồng gánh 2 con đi trọn con đường học hành.
Trong tình cảnh gian nan đó, cán bộ địa phương gần gũi, tư vấn công ăn việc làm phù hợp với sức khỏe, tay nghề của hai vợ chồng, như giữ xe, tạp vụ… Với 2 con bà Thúy, quận và phường hỗ trợ học bổng cho 2 em đến trường. “Từ nhỏ đến những năm học trung cấp, đại học, cả 2 cháu đều được địa phương cấp học bổng. Vào đại học, cùng với học bổng, các cháu còn được địa phương hỗ trợ vay vốn trang trải chi phí học hành”, bà Thúy xúc động.
Từ sự hỗ trợ trường kỳ của địa phương và đặc biệt là ý thức tự thân vươn lên, đến nay, con gái lớn đã tốt nghiệp trung cấp dược, đi làm và đang tiếp tục học lên cao. Con gái thứ hai tốt nghiệp loại giỏi Đại học Bách khoa TPHCM, đang học thêm ngoại ngữ. Gia đình bà Thúy cũng chủ động “trả lại” mã số hộ cận nghèo, chuyển chính sách hỗ trợ tới những trường hợp khó khăn hơn.
Cũng như bà Thúy, bà Hàng Thị Nguyệt (sinh năm 1965, phường 15 quận 5) và chồng là ông Lý Châu Hùng (sinh năm 1955, bị thoát vị đĩa đệm) hiện đã có thể an tâm khi 3 con đã trưởng thành. Con trai lớn của ông bà được phường và Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Hùng Vương “bao” toàn bộ tiền học nghề cơ khí. Con trai giữa đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM; con gái út tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Tất cả các con đã đi làm, có thu nhập khá.
Gia đình bà Thúy, bà Nguyệt là 2 trong số rất nhiều gia đình ở TPHCM đã đổi đời nhờ kiên trì, động viên con cái học chữ, học nghề bài bản, dù gia cảnh có éo le như thế nào cũng không bỏ học. Là người từng nhiều năm chiến đấu với cái nghèo và trực tiếp tham gia Tổ tự quản giảm nghèo, hỗ trợ các hộ nghèo khác vươn lên, bà Hàng Thị Nguyệt cho rằng: “Cách hỗ trợ hiệu quả nhất với người nghèo là công ăn việc làm, hỗ trợ giáo dục, học nghề. Chỉ có như vậy mới giảm nghèo bền vững”.
Đầu năm 2016, TPHCM có hơn 67.000 hộ nghèo (chiếm 3,36% tổng số dân) và hơn 48.100 hộ cận nghèo (chiếm 2,4%). Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo còn lại gần 3.800 hộ (chiếm 0,19%) và gần 23.000 hộ cận nghèo. TPHCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020 (thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm cùng 5 chiều xã hội) và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trước thời hạn 2 năm. Từ năm 2019, TPHCM tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững 2 năm cuối của giai đoạn 2016-2020, với gần 27.500 hộ nghèo và 32.000 hộ cận nghèo. Cuối năm 2019, TPHCM còn gần 9.700 hộ nghèo (chiếm 0,39%) và gần 23.000 hộ cận nghèo (chiếm 0,93%) - tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đều ở mức dưới 1%. Như vậy, TPHCM tiếp tục hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2019-2020 (thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm cùng 5 chiều xã hội) và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X (thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011) trước thời hạn 1 năm. |
Chuyển từ trợ cấp sang hỗ trợ
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 5 Võ Xuân Kỳ, quận và phường cập nhật thường xuyên số lao động hộ cận nghèo chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định để liên kết các doanh nghiệp, kịp thời giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm. Tại quận 5, 100% học sinh, sinh viên hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo được tặng học bổng. Tất cả thành viên thuộc hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo trong độ tuổi, có khả năng và nhu cầu lao động đều có việc làm, thu nhập... Cùng với các giải pháp khác, thu nhập hộ cận nghèo tại quận 5 từng bước nâng lên. Đầu năm 2019, quận 5 có 180 hộ cận nghèo (thu nhập từ 28-36 triệu đồng/người/năm). Quý 1-2020, tất cả hộ cận nghèo đã có thu nhập đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, toàn TPHCM hiện có 5 quận và 85 phường không còn hộ nghèo theo chuẩn dưới 28 triệu đồng/người/năm; có 1 quận (quận 5) và 22 phường không còn chuẩn cận nghèo. “Đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị từ thành phố tới tận khu phố, ấp, tổ dân phố. Ngoài ra, kết quả còn đến từ sự chung tay của cộng đồng xã hội và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của người nghèo”, ông Lê Minh Tấn nhận xét.
Từ năm 1992 đến năm 2015, TPHCM triển khai chương trình giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận, đo lường nghèo đơn chiều (chiều thu nhập). Bắt đầu từ năm 2016, TPHCM thực hiện giảm nghèo theo phương pháp đa chiều - vừa giảm nghèo thu nhập, vừa giảm nghèo về giáo dục, việc làm, nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, điều kiện sống. Theo ông Lê Minh Tấn, các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo TPHCM được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên giảm nghèo và làm ăn phát đạt.
Từ các giải pháp hỗ trợ, nhiều địa phương đã tập trung phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là mô hình kết nối doanh nghiệp nhận hàng gia công, sử dụng hiệu quả giờ nhàn rỗi tăng thêm thu nhập cho hộ cận nghèo; mô hình hỗ trợ con giống; mô hình bảng thông tin giới thiệu việc làm... Ngoài ra, TPHCM còn có nhiều cách làm hiệu quả kéo giảm các chiều nghèo xã hội. Có thể kể đến mô hình đồng hành cùng học sinh nghèo, mô hình công việc trao tay, nuôi heo tiết kiệm; khám sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó là mô hình doanh nghiệp đồng hành cùng hộ nghèo; kết nối doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc và đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, TPHCM còn triển khai mô hình phân cấp quản lý, trao quyền cho cơ sở và người nghèo, cận nghèo trong tổ chức thực hiện giảm nghèo. Đến nay, TPHCM có 2.890 tổ tự quản giảm nghèo bền vững (trong đó, có 2.746 tổ hoạt động nề nếp, đạt 95%).
Việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm trên cơ sở khảo sát nhu cầu của từng người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo gắn với giải quyết các chiều thiếu hụt xã hội của hộ, từng bước vừa nâng cao thu nhập, vừa giảm các chiều thiếu hụt xã hội. Đây là mô hình quản lý, theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hiệu quả, được Bộ LĐTB-XH đánh giá cao và đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu triển khai thực hiện.
Hơn 7.000 tỷ đồng cho giảm nghèo trong 5 nămTrong giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã huy động nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được hơn 7.000 tỷ đồng. Nguồn lực này đảm bảo giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có gần 5.200 tỷ đồng dùng cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ. Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, TPHCM cấp phát 928.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng 1.765 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 2.470 căn; miễn, giảm học phí cho hơn 150.000 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. |