Thành phố sống tốt phải không có dịch bệnh

Thành phố sống tốt phải không có dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh do virus Zika, chiều 19-10, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Pasteur TPHCM và các sở ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình và triển khai những biện pháp phòng chống dịch.

TPHCM “nhạy cảm” với dịch bệnh

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết thành phố vừa phát hiện thêm một ca bệnh mắc virus Zika tại quận 5, nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TPHCM lên 5 ca (2 trường hợp tại quận 2, 1 trường hợp tại quận 9, 1 trường hợp tại quận 12, 1 trường hợp tại quận 5). Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện Pasteur TPHCM đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới cũng như nhanh chóng xét nghiệm hơn 800 mẫu bệnh phẩm mà các đơn vị y tế của Sở Y tế TPHCM cũng như các địa phương gửi đến. Về chuyên môn giám sát, điều tra dịch tễ đối với dịch do virus Zika, ông cũng cho biết đã triển khai tập huấn cho các đơn vị và y tế dự phòng các địa phương… Tuy nhiên, hiện hệ thống máy móc xét nghiệm khá cũ kỹ, cơ sở chật hẹp nên cần được quan tâm đầu tư thêm…

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tìm hiểu công tác phòng chống dịch do virus Zika tại Viện Pasteur, TPHCM. Ảnh Việt Dũng

Báo cáo về công tác phòng chống dịch do virus Zika, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, ngành y tế đã triển khai xác định và can thiệp vùng nguy cơ dựa trên chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi và phân loại thành các vùng nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống thích hợp. Kết quả ghi nhận tại 8 quận, huyện trọng điểm cho thấy: vùng nguy cơ cao tập trung tại Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn; vùng nguy cơ vừa tập trung tại Tân Phú, quận 8, Tân Bình… Trên vai trò lãnh đạo của ngành y tế, PGS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói dịch do virus Zika không nằm ngoài tiên đoán của bộ. “Diễn biến dịch Zika tiếp tục phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều ca mắc virus Zika và dị tật bẩm sinh ở trẻ do mắc virus Zika là khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Thanh Long quan ngại. Ông nhìn nhận chủng virus Zika nghi gây tật đầu nhỏ cho một trẻ ở Đắk Lắk là cùng chủng với virus Zika lưu hành tại TPHCM, nên nếu không ngăn chặn tốt thì khả năng TPHCM sẽ có ca trẻ sơ sinh dị tật tương tự. Ông đề nghị TPHCM chỉ đạo các quận, huyện triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đầu tư cho các cơ sở y tế dự phòng để đủ năng lực phòng chống. “TPHCM rất nhạy cảm với dịch bệnh. Cứ có dịch bệnh gì là TPHCM có trước và hiện dịch bệnh tại TPHCM cũng chiếm tới 15% dịch bệnh của cả nước”, PGS-TS Nguyễn Thanh Long băn khoăn.

“Đầu tàu” về dịch bệnh thì… gay go!

Cũng trong chiều 19-10, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành và các bệnh viện trọng điểm về triển khai phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện đã triển khai tầm soát ca bệnh nghi mắc Zika tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn phố và thực hiện công tác giám sát các điểm nguy cơ được thực hiện tại 24/24 quận, huyện. Bên cạnh đó, nhằm phòng chống di chứng tật đầu nhỏ, ngành y tế tập trung phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện và điều tra ca tật đầu nhỏ ở trẻ mới sinh và những ca chết thai nhi, não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh…

Nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu các quận, huyện phải tăng cường vệ sinh môi trường; cho test nhanh những ca bệnh nghi ngờ ngay tại các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để giảm tải tuyến trên; không công bố rộng rãi thông tin người mắc bệnh do virus Zika để tránh kỳ thị của xã hội… “Quan trọng nhất vẫn là tập trung vệ sinh môi trường sống, làm việc, nâng cao ý thức và trách nhiệm của hộ gia đình, khu phố, tổ dân phố, không để phát sinh các ổ lăng quăng, muỗi gây bệnh”, đồng chí Nguyễn Thị Thu chỉ đạo.

Hoan nghênh sự chủ động và phối hợp của ngành y tế thành phố cũng như Bộ Y tế trong phòng chống dịch do virus Zika, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh phải xử lý nhanh chóng, có hiệu quả hơn nữa đối với dịch bệnh nguy hiểm này. “Thấy dịch bệnh như thế tôi rất sốt ruột. TPHCM đang xây dựng là thành phố có chất lượng sống tốt, đáng sống mà dịch bệnh luôn đứng đầu thì gay go”, đồng chí Đinh La Thăng quan ngại. Vì vậy, đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo quyết liệt vào cuộc phòng chống dịch do virus Zika ngay bằng các biện pháp cụ thể, đó là: UBND TP phải chỉ đạo quyết liệt các quận, huyện huy động các lực lượng, hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch; tổng huy động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, làm thường xuyên, liên tục diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi; có nội dung tuyên truyền cụ thể để người dân hiểu nguy hại của dịch bệnh nhưng không hoang mang, kỳ thị; nâng cao năng lực phòng chống dịch cho các đơn vị y tế dự phòng; ngành y tế thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế như Viện Pasteur để phòng chống dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất… “Mục tiêu của thành phố là chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân thành phố, du khách. Du khách đến thành phố là yên tâm về sức khỏe. Thành phố đang phấn đấu đầu tàu về kinh tế, giáo dục, chứ đầu tàu về dịch bệnh thì gay go”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chia sẻ.

TƯỜNG LÂM 

Đắk Lắk: 3 trường hợp nghi nhiễm virus Zika

Ngày 19-10, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa phát hiện 3 trường hợp trẻ bị bệnh đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika.

Theo đó, ngày 8-9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk phát hiện một trường hợp bé gái 4 tháng tuổi, ngụ huyện Krông Búk, bị đầu nhỏ nghi do nhiễm virus Zika. Tiếp đó, ngày 18-10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk lại phát hiện thêm 2 trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh tương tự xảy ra ở xã Ea Dăh, huyện Krông Năng. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu máu và nước tiểu của các cháu xét nghiệm để xác định nguyên nhân bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết, các trường hợp trên mới chỉ nghi ngờ do virus Zika gây nên, để xác định nguyên nhân bệnh thì cần phải qua nhiều khâu xét nghiệm mới có kết quả chính xác.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục