Thành phố trẻ em

Thành phố trẻ em
Thành phố trẻ em ảnh 1

“Thành phố Trẻ em”, một công viên chủ đề với công nghệ hiện đại sẽ mở cửa vào tháng 10-2008 ở Đông Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Vào công viên, trẻ từ 5 đến 10 tuổi có dịp sống “một ngày trong đời” với công việc mà chúng ước mơ, nhằm hướng nghiệp cho chúng về sau.

Công viên giáo dục và giải trí rộng 7.000m² này tương tự thành phố “Kidzania” ở Mexico và Nhật Bản. Công viên là một thành phố thu nhỏ theo tỷ lệ 7:10, có đủ đường phố, bệnh viện, bảo tàng, siêu thị, trường học, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác.

Mỗi đứa trẻ “sống” trong thành phố sẽ được giới thiệu hơn 50 nghề thông thường và thời thượng như phi công, bác sĩ, cảnh sát, luật sư, cả đầu bếp. Mỗi trẻ có một tài khoản ngân hàng với một loại tiền đặc biệt và có thể kiếm tiền bằng cách làm việc trong các cửa hàng hay phân xưởng.

Mỗi công việc cần khoảng nửa giờ để hoàn thành và một chuyến “làm việc” khắp thành phố dài từ 5 đến 6 giờ. Cha mẹ không được phép vào “thành phố” hay đi kèm trẻ nhưng có thể chụp hình từ bên ngoài nhà kính khổng lồ. “Thành phố Trẻ em” đầu tiên trên thế giới là Kidzania mở ở Mexico năm 1999, mỗi năm có đến 800.000 khách. Sau đó Kidzania mở thêm ở Tokyo (Nhật Bản).

V.Hà (theo THX)

  • Giả bệnh nhân để... ăn ở miễn phí

Một người đàn ông Áo, 59 tuổi, vừa bị bắt ở miền Trung nước này vì tội lừa đảo. Thông tin của cảnh sát vùng Muerzzuschlag cho biết, người này thất nghiệp từ lúc 21 tuổi và đã giả bệnh để vào các bệnh viện ăn ở miễn phí.

Từ năm 2005 đến nay, ông ta đã “cư ngụ” trong ít nhất 93 bệnh viện bằng cách tự tạo các vết thương và các cơn đau giả để được nhập viện. Một bác sĩ ở bệnh viện vùng Muerzzuschlag đã phát hiện vụ việc và “bệnh nhân” trên bắt vì tội lừa đảo. Theo bảo hiểm xã hội Áo, chỉ tính riêng chi phí ăn ở trong 2 năm của “bệnh nhân” này ở các bệnh viện đã lên đến gần 100.000 euro (hơn 2,3 tỷ đồng VN).

H.K. (theo Cyberpresse)

  • Làm từ thiện vô danh hơn 30 năm

Đồn cảnh sát quận Tochigi, Bắc Tokyo (Nhật Bản), ngày 9-1 làm lễ ghi công một người vô danh đã tặng nhiều tiền mặt cho người nghèo trong suốt 33 năm qua.

Tháng 8-1974, đồn nhận được phong bì đầu tiên, không có tên người gửi, đựng 1.000 yên và mảnh giấy ghi: “Vui lòng dùng tiền này giúp những người kém may mắn”.

Từ đó, đều đặn mỗi tháng có một phong bì gửi đến đồn, với số tiền tăng dần, lên 3.000, 5.000, 8.000 yên. Tiền đều được đồn chuyển cho hội đồng trợ cấp xã hội thành phố.

Hôm 8-1, đồn nhận được phong bì tiền thứ 400, nâng tổng số tiền gửi từ trước đến nay lên 1.744.000 yên. Cảnh sát trưởng Taisuke Kimura nói: “Chúng tôi thật ngưỡng mộ người vô danh này, làm từ thiện hơn 30 năm không cần ai biết đến”.

A.Thy (theo AFP)

  • Chớ đeo đồng hồ giả vào Thụy Sĩ

Từ tháng 7 tới, những ai đeo đồng hồ “dỏm” vào Thụy Sĩ sẽ bị tịch thu, theo quy định mới của nước này. Lệnh cấm nhằm thắt chặt kiểm soát nạn làm hàng giả, cấm mang đồ dùng cá nhân giả vào đất nước được mệnh danh là “vương quốc đồng hồ”.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Thụy Sĩ cho phép hải quan tịch thu tất cả đồ dùng cá nhân giả, trong đó có đồng hồ đeo tay. Ước tính, thị trường hàng giả gây thiệt hại cho kinh tế Thụy Sĩ khoảng 1,79 tỷ USD/năm, trong đó với ngành sản xuất đồng hồ khoảng 718 triệu USD.

Dù các giải pháp trên không lập tức quét sạch nạn hàng giả ở Thụy Sĩ, song được cho là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính tại nước này.

C.H. (theo People’s Daily, Swissinfo)

Tin cùng chuyên mục