TPHCM kết thúc Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trước 2 năm so với kế hoạch. Số hộ nghèo đến cuối tháng 9-2018 chỉ còn 3.700 hộ (chiếm 0,19% tổng hộ dân TPHCM) và khoảng 22.900 hộ cận nghèo. Kết quả này khẳng định nỗ lực của TPHCM trong công tác giảm nghèo: vừa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến quận, huyện, các phường, xã, thị trấn, vừa huy động hiệu quả nguồn lực của các tầng lớp xã hội. Quan trọng nhất, TP đã khơi gợi được ý chí, biết học hỏi làm ăn và vươn lên thoát nghèo của các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng, bước sang năm 2019, khi chuẩn nghèo của TPHCM được nâng lên - trong đó, chuẩn nghèo về thu nhập nâng từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo về thu nhập nâng từ 28 triệu đồng/người/năm lên 36 triệu đồng/người/năm - thì dự kiến lại có 100.000 hộ (5% tổng hộ dân TP) rơi vào diện nghèo, cận nghèo. Như vậy, phần lớn số hộ vừa vượt chuẩn nghèo giai đoạn vừa qua gần như ngay lập tức “tái” nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2019 - 2020. Đây là điều rất cần được xem xét thấu đáo, bởi đã lặp lại nhiều lần, việc TPHCM vừa kết thúc giai đoạn nghèo trước đã bước vào giai đoạn nghèo sau. Điều đó phản chiếu kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững. Người dân chỉ vượt qua chuẩn nghèo do TP quy định, chứ chưa hoàn toàn thoát nghèo thực sự, bản chất nghèo chưa thay đổi. Thu nhập của họ vẫn phập phù, cuộc sống vẫn mong manh.
Thu nhập của người nghèo có thể được cải thiện so với chính họ, song so với các nhóm khác của xã hội, mức cải thiện này là quá chậm, thậm chí ngày càng bị bỏ xa, khoảng cách giàu nghèo nới rộng. Cơ hội dịch chuyển, bứt phá của người nghèo lên các nhóm có mức sống cao hơn là không đơn giản. Lằn ranh hết nghèo - tái nghèo rất mong manh.
Các giai đoạn giảm nghèo, TPHCM thường cán đích sớm thời hạn 2 năm. Tuy nhiên không nên thỏa mãn các con số, mà cần đi sâu vào chất lượng giảm nghèo. Nghèo hay không nghèo không nên phụ thuộc vào cách đo đếm - mà nhiều khi đo cách này thì công nhận hết nghèo, đo cách kia lại vẫn thấy nghèo. Do đó, cần chú trọng và tôn trọng thực tế cái nghèo của người dân. Chẳng hạn, ở lĩnh vực y tế, đã có 782.700 thẻ BHYT được cấp cho các thành viên hộ nghèo, cận nghèo trong 3 năm qua. Dù thẻ BHYT khám bệnh miễn phí, nhưng khi bệnh nặng thì chi phí khám chữa bệnh rất lớn, nhiều dịch vụ y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của thẻ BHYT, người nghèo nhiều khi vẫn phải móc thêm tiền túi chi trả chi phí chênh lệch giữa thanh toán của Quỹ BHYT và chi phí thực tế.
Tương tự là trong việc TPHCM thực hiện giảm nghèo về nhà ở. Điều kiện sống cũng là chiều có sự thiếu hụt cao thứ ba (sau giáo dục, đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội) với hơn 43.000 hộ (tỷ lệ 37%). Để nâng diện tích bình quân đầu người nhằm giảm nghèo về diện tích nhà ở, TP có nhiều giải pháp như hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà tình thương; phát triển nhà ở xã hội… Song, ngoài các cách làm cũ là hỗ trợ xây mới nhà tình thương, sửa chữa nhà mà số lượng hạn chế, thì việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đã tác động đến người nghèo và sự thụ hưởng của người nghèo ra sao? Chúng ta chưa trả lời được câu hỏi này một cách thấu đáo, hợp lý.
Quan trọng nhất trong giảm nghèo là dạy nghề, tạo việc làm. Có chìa khóa việc làm mang lại thu nhập, sẽ mở bung, tháo gỡ được nhiều chiều nghèo khác. Việc làm phải đảm bảo 2 yếu tố: ổn định và thu nhập tăng dần. Trở ngại hiện nay là nhiều người nghèo không thích học nghề, vì còn mải mê kiếm sống trước mắt. Đi học nghề sẽ mất ngày công đi làm và ít nhất phải nhiều tháng sau mới thấy hiệu quả; trong khi nghỉ ngày làm việc hôm nay, có khi cuối ngày đã thấy cảnh nheo nhóc. Cùng với cải thiện chất lượng dạy nghề, thì “giảm nghèo nhận thức về nghề nghiệp” cũng cần được chú trọng hơn, giúp người nghèo thấu hiểu giá trị lâu dài do nghề nghiệp được đào tạo bài bản mang lại. Cũng cần lưu ý thêm về những hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện di dời, giải tỏa, tái định cư. Chúng ta thiếu sự đeo bám, dõi theo đời sống của họ. Lâu nay, Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất (Quỹ 156) cũng gần như bỏ lửng, ít người được tiếp cận.
TPHCM đã bước một hành trình 3 năm trong giảm nghèo theo phương pháp đa chiều. Trước đây, để xác định thế nào là nghèo đa chiều và đo đếm sự phức tạp của nó, TP đã chi một khoản tiền không nhỏ, với sự hỗ trợ của UNDP. Hiện nay, để đánh giá chuẩn xác kết quả giảm nghèo đa chiều, lại là một thách thức không nhỏ với TP, đòi hỏi không chỉ phương pháp, kỹ thuật, nguồn lực mà còn cần cả tâm thế nhìn trực diện vào bản chất nghèo; ai nghèo ở lĩnh vực nào, giải pháp chống nghèo ở lĩnh vực đó như thế nào và hiệu quả ra sao, chứ không chỉ căn cứ vào chuẩn nghèo thu nhập.