Thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn cao so với các nước

Đây là thông tin được ông Lê Văn Tuyên, Trưởng phòng Phát triển thanh toán, Vụ thanh toán (NHNN Việt Nam) cho biết tại buổi tọa đàm “Xu thế mới trong thanh toán hiện đại” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và OpenWay Group tổ chức ở TPHCM, ngày 28-10.

(SGGPO).- Đây là thông tin được ông Lê Văn Tuyên, Trưởng phòng Phát triển thanh toán, Vụ thanh toán (NHNN Việt Nam) cho biết tại buổi tọa đàm “Xu thế mới trong thanh toán hiện đại” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và OpenWay Group tổ chức ở TPHCM, ngày 28-10.

Theo ông  Lê Văn Tuyên, phát triển thanh toán điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ định hướng và NHNN Việt Nam là cơ quan chủ trì chỉ đạo triển khai từ năm 2006 với các giải pháp thể hiện thông qua 2 đề án: Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2011-2015. Đến nay, đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được kết quả tích cực.

Cụ thể, hệ thống thanh toán tại Việt Nam không ngừng đổi mới, hiện đại hoá và thích ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Qua đó, góp phần giảm dần tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán từ 19,27% trong năm 2006 xuống còn ở mức hơn 12% hiện nay. Nhiều dịch vụ thanh toán mới đã được phát triển và đa dạng, phù hợp với xu hướng thanh toán hiện đại. Tuy nhiên, thị trường thanh toán Việt Nam vẫn còn một số hạn chế và thách thức, còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới như thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn trong khu vực dân cư; tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã nhấn mạnh sự thay đổi chóng mặt trong xu thế thanh toán hiện nay khi người tiêu dùng chuyển từ máy tính sang các thiết bị di động cầm tay. Điều này cũng đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng nếu không muốn thị phần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh mà ngay cả các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Google, Apple… cũng đã tham gia thị trường cung cấp giải pháp thanh toán hiện đại thông qua các dịch vụ trực tuyến tiện lợi, bảo mật cao.

Thách thức đối với sự phát triển, mở rộng các phương thức thanh toán hiện đại ở Việt Nam còn nhiều trở ngại, chủ yếu là niềm tin của cộng đồng khá thấp. Các chuyên gia cho rằng, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều khả năng các ngân hàng nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam và với tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, rất có thể họ sẽ bỏ xa các ngân hàng trong nước, nhất là trong việc ứng dụng giải pháp thanh toán hiện đại phục vụ khách hàng.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục