Thanh tra nhân dân - Chức năng nhiều, hiệu quả ít

Theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Ban Thanh tra nhân dân (tổ chức của quần chúng, do UBMTTQ Việt Nam quản lý) được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại cơ sở cũng như góp phần phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, đến nay hoạt động của tổ chức này vẫn chưa phát huy hiệu quả thật sự.

Tại TPHCM, từ năm 2005 đến tháng 7-2010, có 322 Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn được thành lập với tổng thành viên 15.524 người, chưa kể các Ban Thanh tra nhân dân được thành lập tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.

Theo luật định, Ban Thanh tra nhân dân được giao nhiệm vụ giám sát và kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý những vụ việc, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khi cần thiết sẽ được giao xác minh những vụ việc nhất định… Nhưng trên thực tế, các Ban Thanh tra nhân dân chưa thực hiện đầy đủ chức trách của mình. Thời gian qua, các vấn đề cần thiết có sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc việc thực thi chính sách pháp luật của cơ quan Nhà nước, đảng viên, cán bộ công chức chưa được thực hiện tốt. Việc phát hiện các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu tham nhũng chiếm tỷ lệ rất thấp trong kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Tại buổi làm việc với Thanh tra TPHCM về lấy ý kiến cho tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, bà Nguyễn Ngọc Xuân, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường 12 quận 6, cho rằng, đa phần thành viên của Ban Thanh tra nhân dân chỉ là dân thường nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc giám sát hoạt động của các cán bộ đảng viên, lãnh đạo. Bên cạnh đó, trình độ học vấn và năng lực hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân chưa cao.

Theo kết quả khảo sát trong 87 thanh tra nhân dân của một số quận huyện, hơn 50% chỉ tốt nghiệp PTTH (trong đó cá biệt có 2 người chỉ học hết tiểu học và 15 người học hết THCS), dẫn đến không ít thanh tra nhân dân thiếu sự hiểu biết về chính sách pháp luật nên không phát huy được vai trò giám sát khi gặp phải những sự việc mang tính chất chuyên môn. Trong khi đó, theo ông Lê Đức Châu, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường 15 quận 10, đôi khi Ban Thanh tra nhân dân không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước thực trạng trên, Thanh tra TPHCM đã xây dựng Đề án “Nâng cao nhận thức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng”. Với tính khả thi cao, đề án vừa được Chương trình sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 trao giải thưởng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, Phó Chánh Thanh tra TPHCM, cho biết: “Từ tháng 11-2011 đến hết tháng 10-2012, đề án sẽ được triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại 15 phường thuộc quận 10 và 21 xã, thị trấn thuộc huyện Củ Chi. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến rõ rệt của các Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời xây dựng được mô hình kiểu mẫu đầu tiên của TPHCM một Ban Thanh tra nhân dân cấp xã hoạt động có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng làm điểm để có thể nhân rộng”.

Mong rằng sự thành công của đề án sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp các Ban Thanh tra nhân dân trong thời gian tới có nhiều điều kiện thuận lợi phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định ngày càng có chiều sâu và thật sự hiệu quả.

Thục Hân

Tin cùng chuyên mục