Tháo không được, nên cắt

Sau bài viết Nhớ quyền mà quên trách nhiệm nói về tiêu cực trong quyết toán, hoàn thuế, đăng trên số ra ngày 10-3, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp… Lâu nay, câu chuyện hoàn thuế đã nóng ở các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có quyết định hoàn thuế nhưng lại không nhận được tiền. Số tiền của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xin hoàn thuế đến nay đã lên đến 1.100 tỷ đồng. Không nhận được tiền, doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế làm khó. Cơ quan thuế thì bảo mình không làm khó mà do quỹ hoàn thuế hết tiền. Bộ Tài chính thì tuyên bố không thiếu tiền. Cuối cùng, câu chuyện “rối” lên, doanh nghiệp cầm hồ sơ kêu gào khắp nơi…

Thật ra, ngân sách nhà nước không thiếu tiền. Cái thiếu này là do cơ chế… dự toán ngân sách. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước không thể dự liệu được nhưng lại làm “dự toán” cho nguồn chi hoàn thuế. Rồi dự toán lại theo quy trình máy móc, cấp dưới trình lên, cấp trên cắt bớt mà không dựa trên cơ sở nào cả! Cuối cùng nguồn chi thiếu, không thể lấy nguồn khác đắp qua. Vì không có điều tra, khảo sát, thống kê cụ thể nên công tác dự toán không chính xác, không có cơ sở khoa học, từ đó nảy sinh bất cập. Ngay khi đề xuất quy định pháp luật về cơ chế hoàn thuế cũng chưa được tính toán kỹ. Vụ án bà M. ở Đồng Nai đang được cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử, cho thấy doanh nghiệp lợi dụng các quy định pháp luật để trục lợi trong hoàn thuế. Khi khám xét nhà bà M., cơ quan điều tra phát hiện có đến 150 bộ hồ sơ doanh nghiệp “ma”. Thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu mua cà phê từ dân (không có thuế giá trị gia tăng - GTGT) nhưng phải làm thủ tục qua trung gian các doanh nghiệp “ma” của bà M. để được hoàn thuế GTGT (vì theo quy định, phải mua hàng từ doanh nghiệp thì khi xuất khẩu mới được hoàn thuế). Còn bao nhiêu “liên doanh ma quỷ” kiểu bà M. để chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước? Câu trả lời là: Không xác định được! Đó là chưa kể, thực tế xảy ra không ít trường hợp doanh nghiệp câu kết với Hải quan làm hồ sơ xuất khẩu khống để trục lợi tiền hoàn thuế.

Rõ ràng lâu nay luật ra đời, nghị định, thông tư cứ thế hướng dẫn mà không có một thống kê để nhận diện chính xác vấn đề. Sau thời gian áp dụng, vẫn không có một thống kê tính toán nào để xác định số thuế GTGT thu được từ hoạt động sản xuất nông sản là bao nhiêu, số tiền hoàn là bao nhiêu. Nhưng các chuyên gia dự đoán số tiền hoàn cao hơn số tiền thu rất nhiều, có nghĩa là ngân sách đang “âm” trong lĩnh vực này.

Trong lúc các quy định pháp luật khác đã hướng đến việc bỏ hoàn thuế thì đến lúc cần nghiên cứu lại việc thu - hoàn thuế đối với doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2015, hộ kinh doanh cá thể đã được áp dụng thuế khoán trên doanh số, không còn phải hoàn thuế cuối năm, giảm công sức của hàng triệu người dân và đỡ quá tải ở cơ quan thuế; những người làm công ăn lương có thêm thu nhập từ nguồn khác (đã được khấu trừ thuế tại nguồn) thì không cần phải quyết toán thuế nữa… Rõ ràng, các cơ quan chức năng đã thấy rõ việc thu - hoàn vừa tốn thời gian công sức của bộ máy, vừa dễ phát sinh tiêu cực mà không thể kiểm soát được. Các quy định hoàn thuế hiện nay đã lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển, nên không cần phải tháo gỡ mà cần phải loại bỏ ra khỏi quy định pháp luật. Đã đến lúc phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng khoản thu nào “hoàn nhiều hơn thu” thì loại bỏ, không thu nữa, khỏi hoàn. Sức lực của đội ngũ cán bộ quản lý thuế nên tập trung vào hậu kiểm, tránh thất thu và thu hồi nợ đọng số tiền hơn 34.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp nợ. Quản lý tốt, thu đầy đủ thì mới tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục