Có những người chấp nhận đổi phần lớn gia tài của mình để lấy những tờ tiền cũ mèm hết hạn dùng. Đó không đơn thuần là cuộc mua bán vì lợi lộc mà phần lớn trong họ muốn tìm kiếm giá trị thật ẩn sau những đồng tiền cổ vô tri.
Chàng trai mê tiền cổ
Có một sinh viên ngành Hóa đã trở thành “tay chơi” hiện tượng trong giới sưu tầm tiền cổ ở TPHCM. Người sở hữu thú chơi vương giả thường phải giàu hoặc luống tuổi. Nhưng, chàng trai 21 tuổi đúng nghĩa sinh viên quèn Phan Trọng Trí Nhân đã làm nên tên tuổi bất chấp sự đánh giá của những người xung quanh về vẻ “bất thường” và khác người của mình.
Gia tài lớn nhất của Nhân là vốn hiểu biết rộng, mớ sách vở và đống tiền hết đát rất “có giá” với dân chơi tiền. Nhân nghiễm nhiên được người trong giới “phong chức” thẩm định cổ vật.
Người giới thiệu nói với chúng tôi rằng Nhân còn trẻ nhưng mê tiền cổ như điếu đổ. Chính sự giới thiệu ấn tượng ấy làm chúng tôi tò mò. Một bữa trưa nắng chang chang, chúng tôi cố đi hết những con hẻm ngoằn ngoèo vào đến căn phòng trọ của Nhân ở quận Bình Thạnh để tìm hiểu niềm đam mê những giá trị cổ xưa của chàng trai trẻ.
Trong căn phòng trọ cũng nóng không kém, cậu trai còm nhom cứ tẩn mẩn lau chùi từng đồng tiền cũ đã ngả màu xanh ngọc bích. Cặp kính cận dày cộm của Nhân như không đủ soi rõ từng nét chữ Hoa phồn thể trên đó. Nhân kê mặt mình sát vào từng đồng tiền để nhìn cho rõ từng họa tiết và không quên nói với chúng tôi: Những đồng tiền cũ này hay lắm đấy, tuy không có miệng nhưng có thể nói nhiều chuyện lúc nó “sống”, còn giá trị lưu hành.
Rồi Nhân mang cho chúng tôi xem bộ tiền cổ thế kỷ 18 mà cậu rất quý. Đó là những đồng tiền xưa cũ, điểm khác biệt so với những đồng tiền ngày nay chính ở những lỗ vuông nằm giữa đồng tiền.
Theo những người trong giới, cái lỗ vuông nằm giữa đồng tiền tròn không chỉ giúp người xưa dễ xâu tiền cất giữ mà còn làm nên sự hài hòa âm dương cho mỗi đồng tiền. Sự kết hợp hài hòa ấy đã nối dài những câu chuyện của quá khứ đến hôm nay trong sở thích sưu tầm cổ vật của những con người đương thời.
Tỷ phú... tiền cũ
Nhân kể, lần đầu bén duyên tiền cũ là khi được người quen cho một hũ tiền Đông Dương vào năm học lớp 7. Từ những đồng tiền cũ đầu tiên (theo luật di sản thì hiện vật trên 100 tuổi mới là cổ), Nhân bắt đầu hành trình… lân la những con phố bán nhiều đồ cổ tại Sài Gòn vào mỗi dịp hè. Bí ẩn của những đồng tiền cũ kỹ lôi Nhân vào cuộc tìm kiếm.
“Những chuyến đi Bắc cả mươi ngày để lục lọi tìm kiếm nhưng đôi khi lại về tay không. Sưu tầm tiền cổ là thú vui tao nhã nên không thể cưỡng cầu hay kỳ vọng quá”, Nhân cho biết.
Ở thế giới những đồng tiền cổ, tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà có duyên mới sở hữu được đồng tiền quý hiếm, ưng ý. Người chơi vốn “say” tiền, xem tiền cổ là báu vật. Nhân từng mê đồng tiền trong Bộ Cảnh đức âm khởi văn thủ thế kỷ 18 nhưng đời sinh viên chẳng bao giờ mua nổi. Mê nhưng chỉ đứng nhìn.
Tình cờ, có một anh bạn đất Bắc “chịu chơi” tặng Nhân luôn đồng tiền quý mà trong cả nước, chỉ có từ 2-5 đồng. Từ cái duyên lạ lùng ấy đến nay, bộ sưu tập của Nhân tròm trèm 20.000 đồng phỗng đúc. Nhưng, Nhân khẳng định mình chỉ thuộc hàng “triệu phú”. Giới chơi tiền cổ còn có những đại gia sở hữu những thứ tiền quý nhất…
Đúng như lời Nhân giới thiệu, phòng làm việc của “tỷ phú” Trần Trọng Khải chỉ có tiền và nhiều tiền. Những album đựng tiền cổ nằm đầy trên bàn, trong tủ, dưới giường. Thật sự choáng ngợp trước sự “giàu có” của anh Khải, chúng tôi chợt nghĩ, nếu sống vào thời xưa chắc Khải đã là một tỷ phú đích thực.
Nhưng ở vào thời đại những đồng tiền này hết giá trị thì người sở hữu cũng đã phải đổi cả tỷ đồng hiện kim để có được nó. Anh Khải cho biết, chưa bao giờ anh có đủ thời gian để đếm lại hết toàn bộ sưu tập tiền giấy Bắc Việt đã cất công sưu tầm hơn chục năm.
Thú thật, dân ngoại đạo như chúng tôi nhìn thấy kho tiền ấy đã hoa cả mắt, còn anh bạn đi chung là người trong giới cứ tấm tắc khen khi Khải say sưa ngồi kể vanh vách tiểu sử của từng tờ tiền.
“Tôi thích sưu tầm tiền có hình Bác Hồ. Tiền được in thủ công, thay đổi theo tình hình chiến sự nên mỗi tờ tiền có những lỗi, màu sắc khác nhau… Sự biến tấu của từng chi tiết qua mỗi lần in như khiêu khích lòng hiếu kỳ của người chơi”, anh Khải hồ hởi cho biết.
Người bước vào thế giới tiền cổ phải hiểu một quy luật: Xưa chưa chắc hiếm, nhiều chưa hẳn giá trị; ít và lạ mới đáng giá. Bởi thế các tay chơi tiền cổ “thèm” bộ sưu tập của anh Khải vì đây là bộ tiền mẫu độc nhất đóng dấu Speciment. Thế nhưng, với anh Khải, sở hữu nhiều hiện vật quý chưa đủ, người chơi tiền cổ hiểu được tiền mới là điều đáng nói…
Ở thế giới không có con buôn
Chính vì triết lý chơi tiền phải hiểu được tiền nên kẻ trót dấn thân vào thế giới tiền cổ phải tìm tòi phần tiềm ẩn dưới đồng tiền vô tri và xem đó là thước đo đẳng cấp! Nhân tự trau dồi thứ tiếng Hoa phồn thể khó hiểu đến tiếng Nhật, tiếng Anh để tìm tương quan giữa đồng tiền và xã hội. Anh Khải nhẵn mặt những trang web về tiền.
Một tiền bối trong Câu lạc bộ sưu tập Gia Định thông thạo cả sử Việt Nam - Trung Quốc - Nhật đúc kết rằng: “Những họa tiết, kích thước của đồng tiền vô tri không chỉ dừng lại ở công nghệ đúc tiền mà cả sự thâm thúy, ẩn ý nằm ở những biến cố lịch sử, thăng trầm của một vương triều”.
Người chơi chuyên nghiệp quan niệm, tiền không chỉ là tiền, nhìn một thấy hai; thấy tiền phải hiểu lịch sử. “Lính mới” cầm tiền chỉ nói được xuất xứ, người chuyên nghiệp có thể hiểu về lịch sử xã hội từ đồng tiền dựa trên những phân tích từ chất liệu, hoa văn... Cao thủ hơn, chỉ cần nhìn thấy một nét nhỏ hay màu ten rỉ là có thể đoán được nguồn gốc, giá trị của tiền.
Giới chơi tiền cổ nặng về ý nghĩa phi vật thể song không hề xem nhẹ giá trị bộ sưu tập. Có những tờ tiền chỉ vài chục ngàn đồng nhưng có lúc người chơi phải bỏ cả ngàn USD để đổi lấy 1 đồng tiền cũ. Giá trị của tiền cổ không thể quy đổi sòng phẳng bằng hiện kim nhưng để sở hữu tiền quý đôi khi người chơi chấp nhận cái giá rất đắt. Vì vậy, họ - những đại gia tiền cổ có thể trở thành đại gia thật nếu trúng một vụ mua bán…
Người trong giới đều biết tiếng H., chuyên tổ chức triển lãm tiền cổ và phất lên nhờ những cuộc mua bán sau đó. “Bán bộ sưu tập kiếm được vài chục ngàn USD là chuyện thường. Tiền vốn “bạc”. Khi tiền cổ rẻ, mình không đủ tiền mua. Đến lúc có tiền, nó đã qua tay người khác, giá nâng lên cả chục triệu đồng nhưng vẫn không mua được vì nó đã theo người “xuất ngoại” mất rồi”, anh Khải chia sẻ kinh nghiệm.
Những người trong giới sưu tầm tiền cổ cũng truyền tai nhau chuyện về một người chơi tiền cổ chuyên cung cấp tiền giả… của tiền cổ. Với người sưu tầm hàng độc, một tờ tiền giả được làm ra vào thời xưa cho thấy công nghệ làm giả tiền thời kỳ đó thật sự rất giá trị. Họ ra sức tìm mua những tờ tiền giả như những món hàng độc. Một vài người chơi tiền nắm bắt thị hiếu tính chuyện lừa đảo, cung cấp những tờ giả tiền cổ có khi còn cao giá hơn tiền thật gấp nhiều lần.
Thế nhưng, ở thế giới chơi tiền cổ cũng có lệ riêng. Người bán tất cả thứ người ta cần không được công nhận là người sưu tầm, mà chỉ là lái buôn. Người sưu tầm thật sự chỉ chấp nhận những cuộc trao đổi, mua bán theo lối “hữu duyên”, trọng quan hệ.
Và cách ứng xử cũng là thước đo đẳng cấp của giới sưu tầm: Người chơi nghệ thuật coi trọng bộ sưu tập hơn cả và không phải cái gì cũng bán, khác xa những lái buôn thuần túy. Đồng tiền có thật - giả và trong thế giới của đồng tiền, người chơi cũng biến hóa, giả - thật đủ phần.
Tiêu Hà