Thất bại của nền dân chủ bị áp đặt

Những diễn biến mới nhất trên chính trường Ai Cập đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và điều đặc biệt là chưa ai dự báo được tình hình Ai Cập sẽ đi đến đâu. Liệu sẽ có một làn sóng biểu tình mới hay các thế lực đang tranh giành quyền lực sẽ đạt được thỏa hiệp để ổn định tình hình trong nước?

Trong hai ngày qua, dư luận chứng kiến cuộc đấu tranh pháp lý giữa tân Tổng thống Mohamed Morsi và Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập (SCC) do Hội đồng quân sự tối cao (SCAF) kiểm soát. Tổng thống ra sắc lệnh khôi phục quốc hội bị SCAF và SCC giải tán. Còn SCC cho rằng “tất cả các phán quyết và quyết định của SCC là quyết định cuối cùng không thể bị kháng cáo và có tính ràng buộc đối với tất cả các thiết chế nhà nước”.

Hồi tháng 6, một tuần trước bầu cử vòng 2 tổng thống Ai Cập, Hội đồng quân sự tối cao và cũng là những người đứng đầu Tòa án hiến pháp tối cao đã bất ngờ tuyên bố giải tán quốc hội. Dư luận sửng sốt bởi quốc hội bầu ra vào tháng 11 năm ngoái được Ai Cập tuyên bố là kết quả của cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau gần 40 năm trên đất nước Kim tự tháp. Đây rõ ràng là một quyết định mang động cơ chính trị.

Trước cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, có thông tin cho rằng Mỹ cùng giới quân sự và lực lượng Hồi giáo có thỏa thuận mật chia sẻ quyền lực theo hướng Anh em Hồi giáo sẽ nắm quốc hội, lực lượng quân sự sẽ trao quyền lực cho một đại diện dân sự sau bầu cử tổng thống nhưng đại diện này sẽ chịu ảnh hưởng của quân đội. Nhưng họ đã không thể ngờ tới việc Anh em Hồi giáo nắm giữ đa số ghế quốc hội lẫn có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2.

Và tình hình đã diễn ra như thế. Một chính phủ kể cả thủ tướng là người của Anh em Hồi giáo chắc chắn thành hiện thực và giới quân sự từng được Mỹ chống lưng có nguy cơ mất hết quyền lực. Đó là lý do giới quân sự bất ngờ giải tán quốc hội. Không có quốc hội, quân đội hiện tại nắm giữ quyền lập pháp và kiểm soát ngân sách nhà nước cho tới khi một quốc hội mới được bầu ra. Trong trường hợp này, ngay cả khi tổng thống mới nhậm chức thì SCAF vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên nội các cũng như đưa ra các quyết sách khác của nhà nước Ai Cập.

Không biết Mỹ có bất ngờ trước kết quả các cuộc bầu cử và thái độ của quân đội Ai Cập không nhưng điều dễ thấy là Mỹ đang lúng túng. Ngày 9-7, trước những diễn biến phức tạp, người phát ngôn Nhà Trắng kêu gọi các lực lượng Ai Cập cần tôn trọng dân chủ. Ngày 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Người dân Ai Cập nên có được những điều họ đã đấu tranh để đạt được và bầu chọn vì những điều đó. Đó là một chính phủ được bầu hợp pháp và đưa ra những quyết định thúc đẩy sự phát triển đất nước”. Với những tuyên bố trên, dư luận chưa biết giờ đây Mỹ sẽ đứng về phía nào trong cuộc chiến giành quyền lực ở Ai Cập.

Ngay từ đầu, giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao, nguy cơ sụp đổ của ông Mubarak, một đồng minh của Mỹ quá rõ ràng, Mỹ đã lèo lái cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt một thể chế không dân chủ bằng một tiến trình cũng không có gì là dân chủ. Lúc đó, chính báo chí Mỹ cũng lên tiếng cho rằng việc Chính phủ Mỹ trao cho quân đội Ai Cập quyền điều hành đất nước chỉ là nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và đó chắc chắn là một bước đi lạc lối trên con đường xây dựng nền dân chủ cho Ai Cập. Một nền dân chủ bị áp đặt từ bên ngoài đến lúc này rõ ràng đã thất bại.


VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục