Trong một động thái leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 1-12, tuyên bố ngừng thực hiện dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Nam dẫn khí đốt từ Nga sang Trung và Nam Âu qua biển Đen. Lý do trực tiếp mà Tổng thống Putin đưa ra là Mátxcơva đã không nhận được giấy phép xây dựng từ Bulgaria do sức ép từ Liên minh châu Âu (EU).
Việc EU không ủng hộ dự án Dòng chảy phương Nam và “có ý kiến” với các nước đã ký thỏa thuận với Nga khiến Mátxcơva không thể bắt đầu xây dựng dự án đầy tham vọng như dự kiến. Quyết định này có thể cho thấy ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga vì không ít chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt đang khiến Gazprom không thể huy động được vốn cho Dòng chảy phương Nam.
Bình luận về sự kiện này, tờ New York Times cho rằng việc rút lại dự án trị giá 40 tỷ USD là một thất bại ngoại giao hiếm có của ông Putin và đương nhiên dường như đây cũng là một chiến thắng hiếm hoi cho EU và chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc đối đầu Đông - Tây đầy căng thẳng và đang lên tới đỉnh điểm do khủng hoảng Ukraina gây ra. Tổng thống Putin cáo buộc EU phủ nhận quyền tự quyết của Bulgaria, khẳng định việc EU làm khó cho dự án là “đi ngược lại với lợi ích kinh tế của chính châu Âu và gây ra nhiều thiệt hại”.
Ông Putin cảnh báo Nga có thể giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và sẽ thay thế Dòng chảy phương Nam bằng những tuyến đường ống khác, đưa khí đốt đến các thị trường khác, như châu Á. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng như một trung tâm khí đốt.
Ngay sau tuyên bố quyết định khai tử Dòng chảy phương Nam, tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga cho biết sẽ đầu tư xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào miền Nam châu Âu có khả năng vận chuyển tới 63 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Khối lượng này lớn gấp 4 lần so với số năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ mua hàng năm từ Nga. Để bù đắp tổn thất cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga tuyên bố sẽ giảm giá 6% đối với khí đốt xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tới, và tăng khối lượng thêm 3 tỷ m3 so với năm nay.
Theo giới phân tích, kế hoạch này của Nga được cho là sẽ không vấp phải sự phản đối của EU. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang xin gia nhập EU - tăng cường quan hệ năng lượng với Nga có thể sẽ khiến châu Âu và Mỹ cảm thấy bất ngờ trong bối cảnh các dự án khai thác khí đốt đá phiến của Mỹ đang phát triển theo tốc độ khẩn cấp chưa từng thấy, với bốn hoặc năm dự án được phê duyệt hoàn toàn, cả trong lãnh vực xuất khẩu lẫn xây dựng vốn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về mặt kỹ thuật. Hiển nhiên khí đá phiến của Mỹ sẽ là một nguồn cung cấp khí đốt mới cho châu Âu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Pierre Terzian của Công ty Tư vấn Pétrostratégies, không nên kỳ vọng điều đó sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề khí đốt của châu Âu. Còn rất lâu mới giải quyết xong khi một bộ phận của châu lục vốn phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt của Nga, như vùng Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu, thì lại không được dự án này quan tâm.
Hạnh Chi