Cử tạ Việt Nam sau giải VĐTG 2011 - hướng đến SEA Games 26

Thất bại sẽ là mẹ thành công?

Đội tuyển cử tạ sẽ di chuyển tới Indonesia khá muộn (ngày 14-11 hội quân ở TPHCM, ngày 15-11 toàn đội di chuyển tới Palembang). Họ ít nhiều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn những đội tuyển khác khi trải qua cả giải VĐTG (dù kết quả không ưng ý). Tới lúc này, mục tiêu SEA Games đã trở nên quan trọng hơn cả…

Đội tuyển cử tạ sẽ di chuyển tới Indonesia khá muộn (ngày 14-11 hội quân ở TPHCM, ngày 15-11 toàn đội di chuyển tới Palembang). Họ ít nhiều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn những đội tuyển khác khi trải qua cả giải VĐTG (dù kết quả không ưng ý). Tới lúc này, mục tiêu SEA Games đã trở nên quan trọng hơn cả…

Thất bại sẽ là mẹ thành công? ảnh 1

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn với mục tiêu HCV SEA Games.Ảnh: Nguyễn Nhân

Yếu tố tâm lý

Đó là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành-bại của các lực sĩ Việt Nam ngay tại Pháp vừa qua và ở Indonesia tới đây. “Thi đấu xong, không vượt qua được các mức tạ đăng ký (129kg cử giật và 151kg cử đẩy). Khi trấn tĩnh lại, cháu Tuấn mới nói với chúng tôi đó là mức thực hiện được nhưng không hiểu sao lại bị rớt. Chúng tôi biết, cháu phần nào gặp trạng thái tâm lý nên đạt kết quả không như ý”, HLV Huỳnh Hữu Chí chia sẻ ngay khi trở lại TPHCM từ giải VĐTG để nói về về học trò Thạch Kim Tuấn. Kết quả thì đã rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu, một phần của kết quả không ưng ý đối với Kim Tuấn do một hành trình di chuyển từ Việt Nam tới Pháp thi đấu khá dài (12 giờ bay) và khi chưa kịp làm quen với khí hậu, thời tiết bản địa lại phải ra thi đấu ngay nên khó tránh việc một VĐV trẻ mới 17 tuổi dễ bị “ngợp”. Trong lúc đó, Trần Lê Quốc Toàn thuận lợi hơn đồng đội chút ít nhờ được quen với thời tiết và cũng di chuyển không quá xa khi tới Pháp từ địa điểm tập huấn Bulgaria.

“Chúng tôi rút ra kinh nghiệm rất nhiều sau giải ở Pháp nên lúc này, ngoài việc tập cho Kim Tuấn những bài phù hợp thì điều quan trọng nữa là giúp cháu tránh bị áp lực tâm lý”, ông Chí nói thêm.

Lúc này, toàn bộ 3 lực sĩ Kim Tuấn, Quốc Toàn, Nguyễn Thị Lợi đã trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc đấu quan trọng cuối cùng là SEA Games. Dù còn 5 ngày nữa mới sang Indonesia, nhưng các tuyển thủ vẫn theo 2 nhóm, tập tại TPHCM và tại Hà Nội.

Làm thế nào để giải được bài toán tâm lý, điều ấy không đơn giản. Ít nhiều, tâm lý trong thi đấu từ VĐV sẽ ảnh hưởng từ chiến thuật mà BHL đề ra ngay trên sàn đấu. Quan trọng hơn cả vẫn ở bản thân VĐV. Chính sự tin tự đến… quá sức của Hoàng Anh Tuấn tại SEA Games 25-2009 đã làm VĐV này nhận một kết quả thất bại về chuyên môn rồi thêm tiếng xấu. Lúc này đây, không chỉ Kim Tuấn mà Quốc Toàn hay các tuyển thủ đều được HLV điều chỉnh nhằm có sự tự tin trong thi đấu tốt nhất. Nhưng sự tự tin ấy phải theo đúng phương pháp để tránh dẫn tới thành tự mãn, không nắm được cả đối thủ lẫn bản thân.

Mục tiêu và đối thủ

Chỉ tiêu mà cử tạ Việt  Nam hướng tới SEA Games 26 là 2 HCV. Đó là cái đích vừa tầm (nếu không muốn nói là hơi ít), do thực lực của dàn lực sĩ đội tuyển, BHL hoàn toàn tin cậy được vào chất lượng chuyên môn của họ. Ít nhiều chúng ta cũng biết được đối thủ của mình trong các hạng 56 kg nam, 69kg nam hay 69kg nữ. Đối chọi với Kim Tuấn, Quốc Toàn (56kg nam) sẽ không ngoài những gương mặt vừa tranh tài tại Pháp gồm Pongsak Maneetong (Thái Lan, 257kg tổng cử), Nestor Colonia (Philippines, 256kg) hay Tanasak Pan-Em (Thái Lan, 253kg). Theo tìm hiểu, lực sĩ Jadi Setiadi (Indonesia) từng giành HCV ở SEA Games 25 với tổng cử 274kg cũng đã giải nghệ. Theo HLV Huỳnh Hữu Chí, nếu thể lực sung mãn và tâm lý tốt thì Kim Tuấn hoàn toàn có thể đạt được thành tích 130kg (cử giật) và 157kg (cử đẩy).

Môn cử tạ bắt đầu thi đấu từ ngày 18 đến 21-11 tại Nhà thi đấu Gor Ganau ở Palembang (Indonesia). Đoàn cử tạ Việt Nam do Trưởng đoàn Đỗ Đình Kháng chỉ đạo sẽ lưu trú ở Làng SEA Games.

Tất nhiên, bên cạnh họ, cử tạ nam Việt Nam vẫn còn nhiều VĐV rất được kỳ vọng như Dương Thanh Trúc (77kg); Khắc Điệp, Hồng Ngọc (69kg). Với nữ, Nguyễn Thị Phương Loan là con bài được nhắm sẽ giành thành tích cao ở Indonesia. Nhiều khả năng, Phương Loan sẽ được ép cân xuống thi đấu hạng 63kg thay vì 69kg sở trường (tại SEA Games 25 cô đã giành HCV với tổng cử 226kg).

Trong lúc đó, người trở về từ Pháp là Nguyễn Thị Lợi ít nhiều cũng tích lũy thêm kinh nghiệm cho cuộc đấu SEA Games. Quyết định thay đổi đưa Nguyễn Thị Lợi thi đấu hạng 63kg thay vì 69kg như dự kiến ở giải VĐTG 2011 chính là động thái mà BHL muốn tích lũy thêm cho VĐV này trước cuộc đấu tại Indonesia. Lợi chỉ xếp hạng 20/29 VĐV với thành tích 195kg tổng cử (85kg cử giật, 110kg cử đẩy) nhưng cô đã biết được đối thủ quan trọng tới đây như Poireinganbi Chanu Hijam (Indonesia, 180kg tổng cử). Tuy nhiên, người đang giữ HCV SEA Games hạng cân này là Okta Dwi Pramita (Indonesia) có thành tích tổng cử 211kg cũng rất đáng gờm.

Mỗi đối thủ, mỗi giải đấu sẽ đều khác nhau về tính chất tranh tài. Chiến thắng sẽ được quyết định với người biết vận dụng tốt ưu thế của mình.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục