Xe đạp Việt Nam một năm nhìn lại

Thất bát!

Đó là hai từ dễ tìm nhất để nói về một năm thất bát của xe đạp Việt Nam trên đấu trường quốc tế, mà SEA Games 24 là dịp "sát hạch" cuối cùng đối với các tay đua. Thành tích 1 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ trên đất Thái Lan vừa rồi thậm chí còn bị coi là sự thụt lùi của xe đạp Việt Nam trong làng đua khu vực…

Đó là hai từ dễ tìm nhất để nói về một năm thất bát của xe đạp Việt Nam trên đấu trường quốc tế, mà SEA Games 24 là dịp "sát hạch" cuối cùng đối với các tay đua. Thành tích 1 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ trên đất Thái Lan vừa rồi thậm chí còn bị coi là sự thụt lùi của xe đạp Việt Nam trong làng đua khu vực…

 XE ĐẠP ĐƯỜNG TRƯỜNG "TRẮNG VÀNG"
 
Ầm ĩ nhất trong năm 2007 thuộc về đội xe đạp đường trường. Đầu tiên, là chuyện chuyên gia người Nga Dmitriev bất ngờ bỏ về nước sau 7 năm gắn bó. Người ta nói, đằng sau cuộc ra đi ấy là cả một kho rắc rối, mất đoàn kết nội bộ BHL và tình trạng "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa các tay đua. Nhưng cuộc ra đi ấy cũng có lý, khi dấu ấn của vị chuyên gia này ở đội tuyển xe đạp Việt Nam không nhiều. Cách làm việc cũ và theo lối mòn của ông khiến các tay đua nản chí vì khối lượng tập luyện nặng nhọc mà đổi lại thành tích không được lên bao nhiêu.
 

Thất bát! ảnh 1
Mai Công Hiếu - tay đua được kỳ vọng nhiều, nhưng gây thất vọng cũng lắm! Nguyễn Hùng

Tất nhiên, không thể đổ hết lỗi cho ông Dmitriev, khi các tay đua trẻ của xe đạp Việt Nam được đầu tư khá mạnh mẽ, nhưng trình độ phát triển khá chậm. Điều đó thể hiện rất rõ qua Cúp Truyền hình 2007, sân chơi quốc nội đẳng cấp nhất đối với xe đạp Việt Nam. Ông Đoàn Kim Phách - Tổng thư ký Liên đoàn xe đạp-mô tô thể thao Việt Nam từng cho rằng sở dĩ sự tiến bộ của các tay đua trẻ chậm là vì họ thiếu tính chuyên nghiệp lẫn tinh thần đoàn kết, và như vậy là thất bại cả về mặt tinh thần thi đấu lẫn chuyên môn. Sự tỵ nạnh ngay trên đường đua đã kéo các tay đua Việt Nam rớt khỏi tốp cạnh tranh chiếc áo Vàng chung cuộc, mặc cho các tay đua Hàn Quốc đến và lấy nó đi mấy mùa liên tiếp.
 
Các tay đua chủ lực Mai Công Hiếu, Đặng Trung Hiếu, Mai Nguyễn Hưng… cũng được thử sức ở giải châu Á 2007 và thành tích tốt nhất thuộc về Công Hiếu với hạng 4 chung cuộc. Sau đó, họ cũng có thêm một vài cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm tại Cúp ĐBSCL, giải VĐTG hay giải quốc tế Thái Lan, nhưng hầu như thành tích của các tay đua không thể tịnh tiến. Tiêu biểu là trường hợp của niềm hy vọng Mai Công Hiếu tại SEA Games 24: ở nội dung sở trường cá nhân tính giờ (đang giữ HCV), Hiếu chỉ về hạng 3 với thời gian 54’02", thua tay đua về nhất là Prajak Mahawong (Thái Lan, 52’59") gần 2 phút. Có thể đổ lỗi cho việc BTC đã cố tình sắp xếp để Hiếu chạy đợt đầu, tạo điều kiện cho các tay đua chủ nhà nắm được thành tích để tìm cách vượt qua. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng phong độ của Hiếu không tốt.
 
Càng tệ hơn khi sau đó, Hiếu chỉ về hạng 16 ở nội dung xuất phát đồng hàng với thành tích 4:14:44, chính thức dập tan hy vọng giành HCV thứ 3 liên tiếp tại 3 kỳ SEA Games của anh. Ở nội dung này, xe đạp Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCĐ nhờ công của tay đua Trịnh Phát Đạt (thời gian 4:14:37). Các tay đua khác như Đặng Trung Hiếu và Mai Nguyễn Hưng thi đấu dưới sức.
 
Nam đã vậy, nữ cũng bết bát chẳng kém khi chỉ giành được chiếc HCĐ của Võ Thị Phương Phi ở nội dung xuất phát đồng hàng (thành tích 3:28:20), trong khi Nguyễn Thị Hoàng Oanh chỉ về hạng 5. Kể từ sau vụ "đụng độ" giữa hai tay đua chủ lực này trước giải VĐTG 2007, nhiều người cho rằng rạn nứt sẽ lớn theo thời gian trong đội tuyển nữ, sẽ rất khó để trông chờ vào cái bắt tay đoàn kết thực sự giữa họ để biến giấc mơ HCV cho Việt Nam thành hiện thực. Thực tế đã chỉ ra rất rõ mọi chuyện, nên chẳng cần bàn gì nhiều thêm.
 
CÁI HẠN CỦA XE ĐẠP ĐỊA HÌNH

 Lẽ ra, chỉ tiêu 2 HCV của xe đạp Việt Nam đã hoàn thành, nếu tay đua Phan Thị Thùy Trang không bất ngờ ngã gãy xương bàn tay trong một buổi tập trước khi bước vào tranh tài. Điều này cũng bất khả kháng vì tai nạn xuất phát từ cách xấu chơi của người Thái (không công bố đường đua chính thức, lập rào cấm các đoàn tham dự vào tập…). Tuy nhiên trong chuyện này, chúng ta cũng không nên quên lỗi rất lớn từ phía BHL khi chủ quan, "xé rào" đưa VĐV đi tập chui nên mới dẫn đến cớ sự buồn là để vuột mất chiếc HCV trong tầm tay của Thùy Trang.
 
Trang thất bại, nhưng may là tay đua kỳ cựu Nguyễn Thị Thanh Huyền có sự trở lại đầy ấn tượng ở đỉnh cao nội dung băng đồng nữ. Chiếc HCV mà Huyền giành được cũng là thành tích cao nhất của xe đạp địa hình Việt Nam trong năm 2007 ở đấu trường quốc tế, cho dù nó nằm trong kế hoạch của BHL ĐTQG. Chính chuyên gia Bao Kiến Binh cũng tỏ ra ngạc nhiên với phong độ xuất sắc của cô học trò Thanh Huyền.
 
Chỉ có một chút yên tâm ở nội dung băng đồng khi Thanh Huyền (30 tuổi) đã có người kế thừa xứng đáng Nguyễn Thanh Đạm (25 tuổi, HCB SEA Games 24), tay đua khá mạnh bạo cả về tốc độ lẫn kinh nghiệm. Trong khi đó, nỗi lo lớn về lực lượng của xe đạp đổ đèo nữ đang hiện ra khi sau lưng các cựu binh, các tay đua trẻ vẫn chưa kịp chín hoặc kinh nghiệm trận mạc không nhiều khi cả năm trời chỉ biết tập chay, không có cơ hội trui rèn tại các giải quốc tế. Lê Kim Hoa được cho là người thay thế của Thùy Trang ở nội dung đổ đèo nữ, nhưng trước thềm SEA Games 24, cô chấn thương nặng nên không thể sang Thái Lan. Với lại, độ "lỳ" hay trình độ chuyên môn của Hoa còn lâu mới bắt kịp Thùy Trang, người đang có ý định từ giã đường đua. 

LÊ QUANG

Thất bát! ảnh 2
Vì thiếu sân tập, nên các tuyển thủ Thanh Hằng, Đình Cương của tổ cự ly trung bình phải long đong đi mượn SVĐ Thống Nhất để tập luyện. Ảnh: Nguyễn Nhân

Tin cùng chuyên mục