Các công ty nước ngoài đang đối mặt với một môi trường thù địch ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Đây là kết luận của một cuộc khảo sát kinh doanh hàng năm vừa được Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc thực hiện. 41% các công ty châu Âu đang đánh giá lại hoạt động của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, tăng 19% so với năm 2013.
Kết quả khảo sát được thực hiện chỉ vài giờ sau khi kết thúc Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ (S&ED) lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, mà tại đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã bày tỏ quan ngại về vấn đề tương tự và sự thất vọng về hành động bảo hộ quá mức của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước chống lại doanh nghiệp nước ngoài.
Sự lao dốc của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục là một thách thức đáng kể cho cả Trung Quốc và các công ty nước ngoài, đặc biệt là đối tác đến từ châu Âu - đối tác lớn nhất của Trung Quốc. Thị trường cạnh tranh không lành mạnh, thêm vào đó, việc Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết mở cửa thị trường tiếp nhận các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo nên một làn sóng bi quan, khiến các công ty đến từ châu Âu phải đánh giá lại hoạt động của họ và có kế hoạch cắt giảm chi phí, nhân viên...
Trong cuộc khảo sát vừa qua, 56% số doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn, tăng 5% so với năm 2015. 70% các doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy không được chào đón tại Trung Quốc như 10 năm trước đây. Có vẻ như Bắc Kinh đang đi ngược lại cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến công du tới Mỹ hồi tháng 9-2015. Bằng chứng là các luật có liên quan đến an ninh được ban hành bằng từ ngữ rất mơ hồ, Internet bị hạn chế gây tổn hại hoạt động của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt với một môi trường pháp lý rất phức tạp đến mức họ phải tự đặt câu hỏi rằng liệu có được chào đón tại Trung Quốc hay không. Trung Quốc đã nhiều lần cam kết hạ thấp rào cản thị trường, nhưng các nhóm công nghiệp nước ngoài cho rằng danh sách các ngành công nghiệp bị cấm và hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quá dài.
Lãnh đạo Trung Quốc cho biết, đất nước họ đang đối mặt với một cuộc chiến khắc nghiệt để giữ nền kinh tế tăng trưởng ít nhất 6,5% trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh, ông Joerg Wuttke nhận định: “hầu hết các thành viên trong cuộc khảo sát tin rằng mục tiêu 6,5% là không khả thi”. Chiến lược “Made in China 2025” để trở thành quốc gia dẫn đầu trong các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn, robot và vệ tinh, cùng với kế hoạch “Internet Plus” dựa trên sự đổi mới, công nghệ thông minh càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại chúng có thể làm gia tăng chế độ bảo hộ và cản trở các cam kết mở cửa thị trường hơn nữa của Bắc Kinh. Gần một nửa các doanh nghiệp được hỏi cho rằng, sự đổi mới của Trung Quốc kém thuận lợi hơn mức trung bình của thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 47% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn có kế hoạch phát triển kinh doanh tại Trung Quốc, giảm 9% so với năm 2015 và quá thấp nếu so với năm 2013, khi có tới 86% các công ty có ý định phát triển kinh doanh tại đây.
HẠNH CHI