Trò chuyện với những nhà điều hành bóng đá nghe được những lời tâm sự khá thú vị: “Ai cũng muốn làm bóng đá một cách tử tế nhưng khó nhất bây giờ lại là làm sao để mọi người thay đổi được thói quen”. Tôi nghe hai chữ “thói quen” chợt giật mình tự hỏi mùa giải năm nay còn bao nhiêu con người chưa thay đổi được “thói quen”?
Thói quen của một nền bóng đá mà đặc biệt là giải vô địch quốc gia là gì?

Là chỉ tiêu trụ hạng. Cái chỉ tiêu mà hàng năm người ta bỏ ra cả tỉ đồng chỉ để giữ lấy vị trí cũ và sẵn sàng “vượt đèn đỏ” vượt khung luật làm những chuyện móc ngoặc, mua bán cũng chỉ vì… trụ hạng.
Bây giờ, khi bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp, hỏi lãnh đạo các đội bóng về chỉ tiêu lại cũng thường nghe hai tiếng “trụ hạng”.
Sau này có những ông bầu làm bóng đá mới bắt đầu nghe những lời tuyên bố. Như bầu Đức vừa lên chuyên nghiệp và đá giải V-League 2003 đã mạnh mẽ nói “Hoàng Anh Gia Lai vô địch!” và họ vô địch thật. Mùa sau, mùa 2004, lại cũng ông Đức tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bảo vệ chức vô địch!”. Và một lần nữa họ lên ngôi vô địch.
Ông Thắng cũng bước vào lĩnh vực bóng đá như ông Đức những đến năm 2005 mới mạnh mẽ tuyên bố vô địch sau khi đã nhìn sang sự đầu tư của Gỗ. Kết quả là họ vô địch và đoạt luôn cú đúp vô địch Cúp Quốc gia.
Những ông bầu làm bóng đá theo cách mới nhưng cũng học những thói quen trong cách làm bóng đá. Ông Đức nắm rất nhanh chuyện một đội bóng cần được ủng hộ phải bắt đầu từ đâu và đã đi đúng bằng con đường ấy. Ông mời cả dàn lãnh đạo đội Sông Lam đến Pleiku chơi từ năm 2002 để học cái cách làm bóng đá và áp dụng theo kiểu một dấu một cửa thông thoáng của mình. Ông Thắng cũng học cái thói quen của những CLB làm bóng đá bằng cách kéo Minh Phương về Gạch từ khi luật chuyển nhượng còn chưa rõ ràng. Ông có một vị Giám đốc kỹ thuật người Bồ Đào Nha thật giỏi và vận dụng vào thói quen của bóng đá Việt Nam cũng rất nhanh để làm nên một sức sống mới.
Nói các đội bóng học thói quen rải tiền của các doanh nghiệp để làm bóng đá mạnh cũng đúng mà nói những ông bầu này học cái thói quen của những đội bóng và vận hành theo cơ chế riêng của mình cũng chẳng sai. Chẳng hạn sau hai mùa bị trọng tài ép lên ép xuống và bị ghét, Gạch đã biết cách mềm mỏng hơn và biết cả cách để các trọng tài không ghét nữa. Mùa 2005, họ không còn gây hấn với trọng tài và các trọng tài cũng thông cảm với họ hơn. Đấy cũng là mùa mà Gạch đăng quang nhờ sức mạnh của mình và nhờ họ không còn đối đầu với những ông vua sân cỏ. Cái ấy không học thì không “mềm” được.
Có một thói quen rất khó thay đổi mà những nhà điều hành bóng đá đang lo ngại: Xử lý thẳng tay với các đội bóng và làm thế nào để đội ngũ trọng tài xóa đi cái tư tưởng “Làm tốt anh thưởng”.
Vụ án tiêu cực bóng đá không làm mạnh thì khó lòng có cuộc thay đổi lớn nơi đội ngũ những người cầm cân, cầm còi và cả những giám sát lẫn cấp trên của giám sát. Bây giờ, chuyện thưởng, chuyện bồi dưỡng và hỗ trợ khó khăn kín cách mấy chưa chắc đã có người dám cầm. Đó là tín hiệu tích cực dù những nhà tổ chức không chủ động làm điều ấy mà là do cơ quan ngoài bóng đá làm mạnh. Vấn đề còn lại là những người điều hành phải thay đổi thói quen sợ sệt (làm mạnh, làm đúng luật và làm tới nơi tới chốn) của mình. Các mùa giải trước nhiều đội không sợ vì biết những nhà điều hành có cà rốt, có gậy nhưng không dám chém vì tiền thân cũng như nhau và vì những mối quan hệ chằng chịt.
Mùa bóng năm nay mới bắt đầu bước vào giai đoạn nóng. Cái nóng không do tiêu cực mà do tính quyết liệt từ một mùa giải ít tiêu cực hơn (do hiệu ứng của vụ án tiêu cực bóng đá). Thế thì công việc điều hành sẽ không còn phải khó, phải cân nhắc theo những thói quen cũ nữa. Mùa mà củ cà rốt được nâng lên để đáp ứng những khó khăn của những người phải hy sinh cho công việc điều hành giải và cũng là mùa mà cây gậy phải được sử dụng đúng tầm, đúng mục đích.
Thay đổi những thói quen bao giờ cũng khó. Vấn đề là người ta có muốn thay đổi nó không và có đồng lòng bác bỏ cái thói quen cũ kỹ và xấu ấy không.
NGUYỄN NGUYÊN