Thầy giáo khiếm thị giàu lòng nhân ái

Có dịp gặp thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện, nghe câu chuyện về nghị lực sống, chuyện trả nghĩa cho đời của anh, chúng tôi thực sự cảm phục và trân trọng!
Thầy giáo khiếm thị giàu lòng nhân ái

Có dịp gặp thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện, nghe câu chuyện về nghị lực sống, chuyện trả nghĩa cho đời của anh, chúng tôi thực sự cảm phục và trân trọng!

  • Vượt qua số phận

Cậu bé Nguyễn Phước Thiện mất cha từ lúc mới lọt lòng. Trong lúc còn chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là nỗi buồn của thân phận mồ côi thì bất hạnh khác lại ập đến. Vào năm vừa lên 10 tuổi, đôi mắt bỗng dưng kéo màn mây rồi mờ dần. Đến năm 14 tuổi thì mù hẳn. Việc học hành vì vậy cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, cảnh tăm tối không làm mờ ý chí quyết tâm vươn lên chiến thắng số phận trong Thiện. Cậu xin mẹ cho mình đến học tại cơ sở dạy văn hóa cho người khiếm thị - Trường Bừng Sáng do thầy giáo khiếm thị Đỗ Khánh Trường thành lập.

Khát vọng vươn lên, tình cảm yêu thương dành cho người mẹ còm cõi ngày ngày buôn gánh bán bưng chăm lo mình đã trở thành động lực giúp cậu học trò mù không những học hành chăm chỉ mà còn học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ. Năm 1989, tại một trung tâm ngoại ngữ lớn của TPHCM, tất cả mọi người đều phải trầm trồ trước tấm bằng C Anh văn của một cậu học trò khiếm thị có khuôn mặt hiền và cái tên rất thân thiện, dễ gần.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Phước Thiện thi đậu vào Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Để có thêm chi phí trang trải cho việc ăn học, sau nhiều lần trăn trở, anh sinh viên khiếm thị quyết định nhận dạy kèm môn Anh văn tại nhà. Và “anh mù giỏi ngoại ngữ” - theo cách gọi đùa thân mật của vài người bạn - chính thức lên chức thầy từ lúc còn chưa tốt nghiệp đại học.

Ra trường, ý thức về những hạn chế riêng của bản thân nên thầy Thiện không đi tìm việc mà chọn con đường mưu sinh bằng cách tiếp tục duy trì lớp ngoại ngữ tại nhà. Từ vài học viên ban đầu, trải qua hơn 20 năm, đến nay mỗi ngày 3 buổi, từ sáng sớm đến 9 giờ tối, lớp ngoại ngữ của thầy Thiện lúc nào cũng tấp nập học viên đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Thậm chí, đến chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM) hỏi ông thầy khiếm thị dạy học này gần như ai cũng biết. Ngoài việc dạy trực tiếp tại nhà, thầy Thiện còn có cách dạy mà ai nghe cũng tưởng như đùa là dạy trực tuyến qua mạng và qua điện thoại.

Thầy giáo Thiện trong một giờ dạy tiếng Anh trực tuyến qua mạng.

Thầy giáo Thiện trong một giờ dạy tiếng Anh trực tuyến qua mạng.

  • Trả nghĩa cho đời

Câu chuyện càng thú vị khi thầy Thiện trải lòng về chuyện đời, chuyện người. Suốt nhiều năm qua, ngoài việc dạy học, thầy Thiện còn dạy học trò mình hướng đến các hoạt động từ thiện. Nhiều nhóm học trò tình nguyện của thầy giáo Nguyễn Phước Thiện đã đến các chùa để làm công quả (quét dọn, đọc và sắp xếp kinh sách); đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật vui chơi cùng các em nhỏ, giúp cô bảo mẫu chăm sóc các bé… Có lúc thầy Thiện đi làm việc nghĩa cùng các học viên, có lúc các bạn tự tổ chức thực hiện rồi báo cho thầy biết. “Tôi làm như vậy là vì muốn giáo dục các em biết sống cho mình và cho mọi người” - thầy Thiện tâm sự.

Đầu năm 2009, trong một lần đi dã ngoại cùng các học trò tại Mũi Né (Bình Thuận), ông thầy mù đã rất xúc động khi nghe và biết được về hoàn cảnh mưu sinh nhọc nhằn trên bãi biển, đồi cát của các em nhỏ tại đây. Hầu hết các em đều sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn. Thay vì phải cắp sách đến trường các em phải trần mình kiếm sống trong nắng cháy, cát bỏng, gió sương lạnh lẽo của biển cả với cái nghề bán quà vặt, cho thuê tấm trượt cát.

Trở về thành phố, thầy Thiện đau đáu trong lòng ý nghĩ phải làm một điều gì đó giúp các em tìm thấy tương lai. Rồi không bao lâu sau đó, người dân sinh sống gần khu vực Đồi Hồng (thuộc địa phận Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh đám trẻ trước đó vốn chỉ biết chửi tục, đánh nhau giành khách nay lại chịu ngồi tụ lại dưới gốc cây dương để nghe một ông thầy mù giảng giải về cách đối nhân xử thế và học tiếng Anh.

Cảm phục trước tấm lòng của ông thầy mù, nhiều bậc cha mẹ đã ủng hộ và chịu để cho con mình đi theo lớp học “dã chiến” không phấn trắng, bảng đen cực kỳ hiếm thấy này. Và từ đó, vào mỗi chiều thứ bảy, thầy Thiện lại vượt hơn 200 cây số bằng xe lửa để đến Phan Thiết, rồi đón xe ôm đến khu đồi cát để đưa con chữ đến với những đứa trẻ mà thầy cho là mình “mang nợ”.

Chia tay ông thầy mù giàu nghị lực sống, giàu lòng nhân ái, chúng tôi chỉ biết cầu chúc cho những lớp học đầm ấm tình người mà thầy giáo Thiện đã dựng nên bằng trái tim đồng cảm với nỗi bất hạnh của người khác sẽ tồn tại mãi!

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục