Đặc biệt là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người không ngần ngại lao vào các điểm nóng để chăm lo từng ký gạo, bó rau, quả trứng… đến người dân đang bị cách ly, phong tỏa. Hay giữa lúc nhiều người vì làm việc vất vả mà xin thôi việc, chính họ đã xung phong nhận thêm nhiệm vụ chỉ với suy nghĩ “thấy bà con khổ quá chịu không nổi”. Đó là điểm chung của 355 gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021-2022, dự kiến được Thành ủy TPHCM tuyên dương vào hôm nay 18-5.
Không nề hà khó khăn
Mỗi sáng, trên đường đi làm, ngang qua tuyến kênh Hàng Bàng, thấy nhiều người dân đi tập thể dục ở đoạn từ Ngô Nhân Tịnh đến Chu Văn An, lòng bà Phan Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2 (quận 6) lại ngập tràn niềm vui. Bởi để có được một đoạn kênh rộng thoáng, có bờ kè và nhiều cây xanh hai bên như thế, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã mất rất nhiều công sức, đưa ra nhiều giải pháp để vận động người dân chấp hành tốt việc di dời. Trong đó, chính bản thân bà đã góp một phần không nhỏ.
Ngày trước, kênh Hàng Bàng ô nhiễm nặng, người dân phải sống chung với mùi hôi thối. Là chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, ngoài tham gia vận động người dân di dời, bà Minh Lý đã gần gũi, tìm hiểu nguyện vọng của các hộ dân và đề đạt nhiều giải pháp để chăm lo an sinh xã hội, trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ vay vốn, trao học bổng cho người dân và con em họ để mọi người có điều kiện ổn định cuộc sống. “Khi mình có sự gần gũi, sâu sát để hiểu từng hoàn cảnh rồi có hướng hỗ trợ thích hợp thì sẽ giúp người dân tin tưởng, đồng thuận di dời để địa phương cải tạo môi trường sống”, bà Minh Lý chia sẻ.
Cũng vì nghĩ nhiều đến người dân, nhất là phụ nữ đơn thân, neo đơn, yếu thế, bệnh tật, bà Minh Lý cùng các chị em trong hội thực hiện mô hình phiên chợ yêu thương; gian hàng thực phẩm rau, củ, quả sạch an toàn; trao yêu thương, bếp ăn tình thương… để chăm lo nhu yếu phẩm, suất ăn đến người dân.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trăm việc đổ về cơ sở. Nhiều cán bộ ở cơ sở, nhất là khu phố, tổ dân phố, ấp, vì chịu quá nhiều áp lực đã xin nghỉ việc. Vậy nhưng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Tổ trưởng Tổ dân phố 32, khu phố 3 (phường 28, quận Bình Thạnh) lại xin nhận thêm nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ dân phố 33. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, bà lao vào khối công việc tăng gấp đôi để chăm lo người dân trong thời điểm dịch bệnh. “Lúc đó tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ thấy tổ 33 đang thiếu người, vì các cô chú bên ấy xin nghỉ việc với lý do sức khỏe. Người dân đang khó khăn, thiếu thốn mà không có người chăm lo nên tôi xin được kiêm nhiệm. Chứ ở sát tổ nhau, thấy người dân bên này được hỗ trợ mà bên kia không có, tôi không chịu nổi”, bà Kim Phụng nói về lý do mình “xin chức”.
Thêm việc, thêm người cần chăm lo, bà Kim Phụng tranh thủ vận động thêm từng phần quà, từng ký gạo, bó rau, quả trứng, ký thịt... rồi chia đến từng gia đình khó khăn, có người già, bệnh tật, trẻ nhỏ. Hàng ngày, bà còn nhận đơn hàng và đi chợ giúp người dân trong 2 tổ. Thời điểm ấy, người dân luôn thấy bà chạy tới chạy lui trong khu phố với chiếc xe đầy hàng. “Có ngày tôi nhận nhiều đơn hàng nên phải đi chợ 4-5 chuyến. Con cái thấy tôi đi làm từ sáng sớm, có hôm 10 giờ đêm mới về nên lo lắng, khuyên tôi giãn bớt công việc. Nhưng nghĩ đến bà con thiếu thốn, tôi vừa tự cố gắng, vừa động viên các con”, bà Kim Phụng cười bày tỏ. Cái tên “cô Phụng shipper” cũng từ ngày đó mà ra.
Chính sự tận tình của bà Phụng khi đến gõ cửa từng nhà, hỏi từng người những khó khăn họ gặp phải để lập danh sách chi hỗ trợ đã giúp niềm tin của người dân đối với bà, với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước càng tăng lên. Hôm chúng tôi đến gặp, bà Kim Phụng vẫn tất bật cho kế hoạch tặng tập, sách cho trẻ khó khăn trong tổ. Bà nói có vài mạnh thường quân hứa đồng hành, còn thiếu bao nhiêu thì bà bù vào, mong muốn với những phần quà nho nhỏ, trẻ em trong khu phố sẽ thấy ấm áp và có động lực học tập nhiều hơn.
Gần gũi và thấu hiểu
Bước ra từ khu tầm soát sức khỏe, chị Dương Thùy Trang, công nhân ở một công ty dệt may tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) phấn khởi khi bác sĩ cho biết mọi chỉ số sức khỏe đều ổn. Chị Trang là một trong hơn 500 nữ công nhân tại các công ty ở quận Bình Tân vừa được thăm khám, tầm soát sức khỏe sau khi mắc Covid-19, do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM cùng Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM tổ chức. Buổi khám bệnh với quy mô lớn diễn ra thành công, tạo sự phấn khởi trong công nhân, người lao động là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ LĐLĐ quận Bình Tân và ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, ngay khi LĐLĐ TPHCM có chủ trương, ông tổ chức rà soát, lên danh sách và đề xuất, tham mưu thí điểm thực hiện thăm khám, tầm soát sức khỏe cho người lao động tại quận Bình Tân. “Qua quá trình tiếp xúc và nắm bắt dư luận trong công nhân, người lao động, tôi nhận thấy mọi người rất trăn trở với sức khỏe sau khi mắc Covid-19. Vì vậy khi có chủ trương, tôi nghĩ việc gì có lợi nhất cho người lao động thì phải nhanh chóng triển khai, không để mọi người phải trông chờ lâu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Nhờ đó, hơn 500 nữ công nhân, trong đó nhiều người đang mang thai, đã được thăm khám chu đáo”, ông Hải chia sẻ.
Thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hải cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động trong lúc ngặt nghèo nhất. Bám vào phương châm “Không để công nhân lao động thuê trọ bị thiếu đói, không để bất kỳ trường hợp nào khó khăn đã phản ánh mà không được chăm lo”, ông kết nối với nhiều doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ nghĩa tình, đưa nông sản sạch đến với công nhân. Ngoài ra, ông Hải lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ người lao động đang gặp khó khăn về nhu yếu phẩm để triển khai hỗ trợ khẩn cấp. Những hoạt động thiết thực đó góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào các cấp công đoàn.
Cũng trong thời điểm TPHCM giãn cách nghiêm ngặt, không chỉ người dân thiếu lương thực, thực phẩm mà sản phẩm của người nông dân cũng tắc nghẽn đầu ra. Là Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TPHCM, ông Lê Viết Bình nảy ra ý tưởng thiết kế các gói nông sản để tiện việc cung cấp cho người tiêu dùng. Ông đã kết nối hàng loạt hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành với các siêu thị, các tổ chức để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Sản phẩm được chia thành từng gói với nhiều mặt hàng, trọng lượng và giá tiền khác nhau để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Với giải pháp trên, trong thời gian giãn cách xã hội, ông đã hỗ trợ tiêu thụ khối lượng lớn nông sản, giải quyết vấn đề ách tắc, ứ đọng hàng hóa nông sản tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân trong lúc khó khăn do dịch bệnh.
Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhiều năm qua của TPHCM. Ý thức được nhiệm vụ trên, quận 1 đã tập trung xây dựng, triển khai nhiều dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Theo Bí thư Chi bộ Văn phòng UBND quận 1 Lâm Ngô Hoàng Anh, các đảng viên trong chi bộ luôn quán triệt tinh thần làm việc theo lời dạy của Bác về vai trò “công bộc của nhân dân”. Với tinh thần đó, Chi bộ Văn Phòng UBND quận 1 xây dựng và thực hiện hiệu quả dịch vụ “Định danh khách hàng điện tử”. Dịch vụ được thí điểm trên các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy. |