Thầy nội, thầy ngoại

VFF đang tính đến chuyện thay ông Riedl. Lẽ ra chuyện này đã phải được tính từ lâu rồi nếu những nhà làm bóng đá có một chiến lược cụ thể. Tính chuyện thay ông Riedl khi ông thầy ngoại này bắt đầu đổ bệnh không phải là phương án hay nhưng có thể người ta vẫn sẽ làm bởi chẳng còn cách nào để từ chối ông Riedl...

Thầy nội, thầy ngoại ảnh 1

HLV Riedl (phải) và phụ tá Phạm Huỳnh Tam Lang nhận huy chương bạc Tiger Cup lần 2-1998 tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng.

Bóng đá Việt Nam rất nghèo nhưng hàng tháng vẫn phải mất xấp xỉ 300 triệu đồng cho ông Riedl từ lương đến các khoản phụ cấp khác và cả thuế. Số tiền ấy rất nhỏ so với mặt bằng giá thuê thầy ngoại nhưng lại là rất lớn nếu so với kinh phí đầu tư cho bóng đá trẻ hay tiền lương trả cho các HLV nội lo phần phát triển cầu thủ trẻ.

Số tiền mà hàng tháng cả Ủy ban lẫn VFF vẫn phải cắn răng lo. Thậm chí là cắt bớt những khoản cần kíp khác vì mục đích có cái huy chương khu vực và để đối phó với dư luận hơn là vì một kế hoạch phát triển mang tính chiến lược.

Ai cũng thấy, một năm ông thầy ngoại này chỉ vào “vụ mùa” khi đội tuyển tập trung, còn lại là nghỉ phép hoặc… chờ vào những chiến dịch lớn và hết.

Lỗi ấy không ở ông Riedl nhưng ở chính những người ký kết với ông một bản hợp đồng “đa hệ” nhưng lại chỉ giao ông một nhiệm vụ chính: tìm và duy trì một đội tuyển theo thời vụ để làm nhiệm vụ quốc tế.

Nhiều người vẫn nói ông Riedl là một HLV rất mát tay khi cứ đụng vào đội tuyển là có huy chương (trừ Tiger Cup 2000). Thực chất thì các đời HLV ngoại cũng thế, trừ ông Tavares làm vỡ cái kế hoạch đoạt cúp ở Tiger Cup 2004 trên sân nhà.

Quan niệm có thầy ngoại chỉ để có huy chương (từ bạc trở xuống) giờ đã là quan niệm lỗi thời. Bởi cái người hâm mộ cần hơn là diện mạo của bóng đá Việt Nam ở khu vực và một hướng phát triển ở tương lai với những nhân tố mới chứ không phải ở một đội tuyển thường trực.
Thế nên cái giá xấp xỉ 300 triệu đồng đã buộc nhiều người phải nghĩ lại.

Nhưng từ nghĩ đến chuyện thực hiện lại là cả một vấn đề do nhiều người còn ám ảnh với cú đá hậu của Letard khiến bóng đá Việt Nam mất tiền tỷ bồi thường hợp đồng. Hơn nữa, với ông Riedl thì càng không thể cạn tàu ráo máng trong giai đoạn ông đổ bệnh.

Đã phải tính đến chuyện thay ông cho dù nhiều người vẫn không dám công bố chuyện bóng đá Việt Nam dưới triều đại ông đã hết bài và quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một miếng đánh với những con người cũ lại thiếu những hiện tượng đột biến.

Tư tưởng từ những nhà lãnh đạo thuê ông thì có nhưng để làm thay đổi tư tưởng và thay đổi cách nhìn nhận nơi một ông thầy ngoại đã có 8 nắm gắn bó với bóng đá Việt Nam thì rất cũ.
Thế nhưng khi tính đến chuyện không có ông thì rất nhiều người lại lái sang nguyên do ông bệnh và nguyên do lịch đấu của bóng đá Việt Nam năm 2007 quá dày và quá nhiều sự kiện.

Bây giờ thì đã có nhiều ý kiến nghiêng về thầy nội với so sánh về đơn giá và về những cái thuận lợi mà HLV Việt Nam trực tiếp làm. Vừa dễ khiển hơn lại cũng vừa dễ thực hiện được những cái gọi là mục tiêu, chiến lược hơn.

Việc này năm 2003, bóng đá Việt Nam từng thử nghiệm khi giao hết đội U-23 dự Asiad cho ông Nguyễn Thành Vinh và đã có một kết quả khả quan.

Lâu nay, bóng đá Việt Nam vẫn mang nỗi ám ảnh “bụt nhà không thiêng” và thầy nội không thể nắm đội tuyển. Điều mà những năm 1991 (SEA Games 16) ông Nguyễn Sỹ Hiển từng bị phá và sang đến 1993 (SEA Games 17) cả ông Trần Bình Sự, ông Nguyễn Văn Vinh lẫn Phạm Huỳnh Tam Lang đều không quản được. Đấy cũng là điều mà năm 1997 lần lượt các ông Trần Duy Long, Lê Đình Chính nhận lãnh.

Những con người đại diện cho các HLV nội ấy không dở (nếu không muốn nói là giỏi và rất giỏi) nhưng họ không có điều kiện làm việc như HLV ngoại. Họ không có thực quyền lẫn cái thế và cũng không đủ điều kiện để đứng mũi trong vai trò thuyền trưởng.

Bây giờ, khi đã tính đến chuyện không có thầy ngoại nữa thì hãy trân trọng thầy nội. hãy trao hết quyền và tạo mọi điều kiện để thầy nội phát huy như thầy ngoại.

Lâu nay, những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam vẫn có suy nghĩ giao hết cho thầy ngoại một phần cũng là một cách né tránh việc phải đối đầu với dư luận khi đội tuyển gãy.

Khi mà thầy ngoại có cả cà rốt lẫn gậy thì thầy nội cũng cần phải có những đặc quyền như thế và cũng cần được bảo vệ để họ tự tin hành nghề.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục