Tạp văn
Không biết chữ “chuyên nghiệp” được gắn cho ngành thể thao nước mình từ bao giờ? Ngày trước thể thao chỉ gắn với những khẩu hiệu đại loại như “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, hoặc “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương…”... Nói chung là thể thao quần chúng. Các đội bóng đá, bóng chuyền, đua xe đạp… cũng đều được thành lập ra từ các cơ quan đoàn thể. Đội bóng đá Công an Hà Nội là của cảnh sát giao thông. Các anh ấy sau khi hết tuổi đá bóng lại trở về thổi còi hướng dẫn giao thông.
Trước nữa, không thấy nói đến thể thao trong lịch sử. Chỉ có vài ông lang khuyên người ta điều độ sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe, “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Thất nhật dâm nhất độ/Lương y bất đáo gia”. Duy nhất có thần y Tuệ Tĩnh đúc kết kinh nghiệm: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Cũng chỉ nói “luyện hình” là tập thể dục chung chung. Không nói rõ tập thế nào và môn gì. Vẫn chỉ là thể thao quần chúng mà thôi.
Nhưng có lẽ thể thao quần chúng sẽ muôn đời không bao giờ đạt được những thành tích cao. Thi đấu khắp nơi bên ngoài lãnh thổ, Việt Nam thường về nhì. Hình như thể thao chuyên nghiệp bắt đầu từ khát vọng ấy. Và cũng hình như mới chỉ dừng ở khát vọng? Thể thao chuyên nghiệp kéo theo rất nhiều thứ không có liên quan gì đến sức khỏe con người. Thậm chí hại người. Cờ bạc, cá độ, doping, gian lận tuổi tác, mua chuộc trọng tài…; nhiều môn đã trở thành ngành kinh doanh béo bở. Và hơn hết, thể thao chuyên nghiệp có tuổi thọ không dài. Cầu thủ bóng đá 35 tuổi đã chuẩn bị xỏ giầy đá cho đội “lão tướng gôn tôm”.
Hà Nội những năm 60, 70, tập thể dục theo quy định của thành phố. Chín giờ sáng, tất cả cơ quan đoàn thể, bệnh viện, trường học đồng loạt xếp hàng tập thể dục trong sân và ngoài vỉa hè. Một hai ba bốn, hai hai ba bốn…theo nhịp hô của người làm mẫu. Chẳng biết có khỏe lên chút nào không nhưng nếu bỏ tập chắc chắn mất lao động tiên tiến cuối năm.
Cũng như ăn, mặc, nhà cửa, xe cộ, người Hà Nội tập thể thao theo phong trào. Bây giờ không còn ai dám đứng ngoài đường hít bụi tập thể lúc chín giờ sáng nữa. Ở sân tennis không nhiều lắm đám thanh niên sức vóc. Phần lớn là những đàn ông đã có một lượng bia rượu nhất định tích trữ núng nính trên bụng.
Phong trào tennis nở rộ vào quãng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Sắm vợt, mua quần áo và giầy, toàn đồ chuyên nghiệp. Chọn sân, chọn giờ, chọn bạn tỉ thí có sàng lọc kỹ càng. Chủ yếu chọn những anh dễ tính, không cay cú ăn thua. Đánh 2 giờ kéo nhau về quán bia hơi ngồi thêm 4 giờ. Kết quả “vòng 2” tiến bộ vượt trội so với hai vòng còn lại. Rồi thì người ta cũng nhận ra đó không phải là trò chơi của đám nghiệp dư lè phè sinh hoạt. Phong trào tennis lắng xuống nhường chỗ cho đánh golf. Cũng chỉ những người giàu có và lãnh đạo các cơ quan mới đủ thời gian và tiền bạc tham gia.
Trò chơi quý tộc nhưng cay cú ăn thua chẳng khác đám bình dân là bao. Có bác thua cuộc đã trút cơn thịnh nộ của mình lên đầu một caddy sân golf khiến anh ta phải nhập viện cấp cứu. Trải qua vài năm dầm mưa dãi nắng, các tay golf nghiệp dư có màu da lên nước bóng loáng. Lại thêm ho hắng nhức đầu sổ mũi liên tục vì nồng độ thuốc trừ sâu ở sân golf luôn cao hơn trên đồng ruộng. Phong trào lắng xuống. Nhiều nhà đầu tư xiêu vẹo khốn khổ vì chiếm giữ hàng trăm hécta đất làm sân golf nay phải mở cửa cho bò vào chơi.
Đàn ông thành phố bây giờ có phong trào đạp xe địa hình. Chỉ có xe đạp là địa hình còn con đường dĩ nhiên trải nhựa phẳng lì. Bốn năm giờ sáng nai nịt như thật tụ tập nhau ở đầu phố đạp vòng vèo lên mạn Hồ Tây. Cũng chai nước và đèn pin loang loáng cho tăng thêm phần phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng cũng phải tuyệt đối tránh mạo hiểm đạp xe vào sáng thứ sáu, thứ bảy. Những ngày ấy và giờ ấy lũ trẻ đua xe cũng tụ tập ra quân.
Đàn bà ở phố có phong trào tập thể dục kiêm aerobic buổi sáng trong các vườn hoa, công viên. Dĩ nhiên mục đích chính của aerobic là nâng cao thẩm mỹ như nó vốn thế. Buổi sáng có từng hội tập trung đông đảo. Loa đài công suất lớn. Trang phục đồng bộ cho lứa tuổi từ 30 đến 60 và hơn thế nữa. Tập xong kéo nhau về quán cà phê để xả nốt phần lời suốt hơn một giờ bị cái loa át mất. Phải có những quán cà phê chuyên phục vụ aerobic vào giờ này. Họ kéo vào đâu lập tức khách khứa uống cà phê lục tục đứng dậy thanh toán tiền quá nửa.
Tôi tập thể dục đều đặn đã ba mươi năm. Vẫn chẳng thể gọi là chuyên nghiệp dù sáng nào cũng đi bộ bốn cây số và đứng tập Đạt ma dịch cân kinh hơn nửa giờ. Quãng đường đi bộ một năm có thể coi như một chuyến xuyên Việt. Nhưng nếu viết chuyện này thành một status cho lên facebook kèm theo lời kêu gọi “Thuê tôi đi” thì hẳn là “gạch đá” nhận được không ít. Chẳng có ai thuê một người tập thể thao nghiệp dư ngoài chính mình.
Đỗ Phấn