Thế giới cần tìm nhiều nguồn năng lượng thay thế

Ngày 16-1, Hội nghị Năng lượng thế giới tương lai lần thứ 5 đã khai mạc tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân và dầu mỏ. Hội nghị được trông đợi sẽ tìm ra những giải pháp mới trong kế hoạch tìm nguồn năng lượng thay thế cho thế giới.
Thế giới cần tìm nhiều nguồn năng lượng thay thế

Ngày 16-1, Hội nghị Năng lượng thế giới tương lai lần thứ 5 đã khai mạc tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân và dầu mỏ. Hội nghị được trông đợi sẽ tìm ra những giải pháp mới trong kế hoạch tìm nguồn năng lượng thay thế cho thế giới.

  • 2012 - Năm quốc tế về năng lượng bền vững

Trong thời gian bốn ngày, hơn 3.000 đại biểu sẽ đánh giá và thảo luận triển vọng phát triển thị trường năng lượng tái tạo, triển khai các công nghệ sạch về sinh thái. Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực, từ thúc đẩy các nền kinh tế cho đến thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), từ đối phó với biến đổi khí hậu đến củng cố an ninh toàn cầu. Năng lượng đồng thời là sợi chỉ đỏ kết nối tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng như hiện nay đang đẩy hàng tỷ người phải sống trong đêm tối, bệnh tật, bỏ lỡ cơ hội học tập và làm giàu cũng như cản trở các nước đạt được tiến bộ trong tiến trình thực hiện MDGs nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào năm 2015.

Một cánh đồng năng lượng gió tại bang Ontario, Canada.

Một cánh đồng năng lượng gió tại bang Ontario, Canada.

Sau khi công bố năm 2012 là Năm quốc tế về năng lượng bền vững, Đại hội đồng LHQ đã xây dựng một chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề năng lượng, tìm kiếm các biện pháp để phát triển năng lượng thay thế và thúc đẩy năng lượng hiệu quả cũng như sử dụng nguồn nước và quản lý chất thải. Để thực hiện được kế hoạch này, chính phủ các nước, nhất là các nước đang phát triển, khu vực tư nhân và xã hội dân sự cần đẩy mạnh các chương trình thử nghiệm thành công năng lượng sạch, các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả và đổi mới.

  • Tăng tốc khai thác năng lượng tái tạo

Thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1, Nhật Bản diễn ra vào tháng 3 năm ngoái làm nhiều quốc gia phải đánh giá lại hoặc tạm dừng các hoạt động phát triển năng lượng điện hạt nhân. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu đang diễn ra tại nhiều châu lục, trước sức ép phải giảm thiểu lượng CO2 để tránh tình trạng trái đất ấm dần lên, thế giới đang chuyển vào giai đoạn khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.

Các nhà kinh tế LHQ và thế giới dự báo tổng đầu tư toàn cầu vào phát triển năng lượng sạch sẽ tăng gấp đôi, từ mức 195 tỷ USD năm 2010 lên tới 395 tỷ USD vào năm 2020, trong đó tập trung đầu tư khai thác năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng Mặt trời. Con số này có thể tăng tới 460 tỷ USD hàng năm vào năm 2030. Tổng đầu tư này sẽ tăng tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng năng lượng của thế giới từ 12,6% năm 2010 lên 15,7% trong vòng 20 năm.

Guy Turner, Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa của Cơ quan Tài chính năng lượng mới ở London nhận định, các khu vực tăng trưởng năng lượng tái sinh nhanh nhất trong vòng 20 năm tới là Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, với nhịp độ tăng từ 10%-18% mỗi năm. Vào năm 2020, các thị trường năng lượng tái sinh ngoài Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Trung Quốc, sẽ chiếm tới 50% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái sinh. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục