Với người tiêu dùng các sản phẩm công nghệ, Thế giới di động được biết đến là điểm mua sắm lý tưởng và ngày càng mang đến thuận lợi cho người tiêu dùng. Nhưng với góc nhìn là một hệ thống bán lẻ, hệ thống này cho ta thấy nhiều điều đặc biệt, có thể nói là từ vài cửa hàng bán lẻ rồi lớn mạnh khắp cả nước và bước vào sân chơi chứng khoán… và trước mắt là những người quản lý hay một số nhân viên chủ chốt của Thế giới di động đã thành triệu phú.
Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Công ty CP ĐT Thế giới di động” với sự có mặt của hơn 100 nhà đầu tư nhằm chia sẻ những thông tin về cổ phiếu, tình hình tài chính, kinh doanh hiện tại và các kế hoạch sắp tới… cho thấy Thế giới di động sẽ niêm yết 62.723.171 cổ phiếu, mã MWG lên sàn chứng khoán TPHCM vào cuối tháng 6-2014, với mức giá giao dịch đầu tiên dự kiến 85.000 đồng/cổ phiếu. Từ đây cũng thấy lên sàn chứng khoán là bước vào một sân chơi tài chính lớn và câu chuyện này còn dài nên ở góc độ khác, nhìn vào cách Thế giới di động “sống cộng hưởng” trên các sản phẩm công nghệ và tự vượt qua bóng dáng một nhà bán lẻ hàng công nghệ là điều cần thiết.
Điều đầu tiên cần thấy cả tài sản ngắn hạn và dài hạn của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động đều tăng. Nếu như năm 2010, khối tài sản ngắn hạn của công ty là 25 triệu USD thì tới năm 2013 là 92 triệu USD, dự tính đến cuối năm nay, tài sản ngắn hạn sẽ là 135 triệu USD và đến năm 2016 sẽ tăng lên 227 triệu USD… Để đạt được kết quả trên, ngoài sự đầu tư hiệu quả của các quỹ tài chính cũng như bám vào phương châm khách hàng là ưu tiên hàng đầu thì việc quản lý 250 của hàng thegioididong.com và đienmay.com với hơn 16.000 lao động, chỉ cần vài thao tác trên máy tính thì có thể biết rõ phản ánh của khách hàng, năng suất bán hàng của từng nhân viên, biết rõ hoạt động kinh doanh của từng cửa hàng. Tức là Thế giới di động đã ứng dụng một hệ thống quản lý hàng đầu để nâng cao năng lực quản lý cũng như kiểm soát hoạt động kinh doanh…
Cũng cần thấy, Thế giới di động luôn “đánh nhanh rút nhanh” trong phát triển hệ thống bán lẻ… nên tầm nhìn chiến lược phát triển cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ cũng là điều cần thấy khi nhà bán lẻ lên sàn. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP ĐT Thế giới di động cho rằng, miếng bánh thị phần bán lẻ mặt hàng công nghệ vẫn còn rộng lớn vì khách hàng đang chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh, công nghệ không ngừng thay đổi tạo ra nhu cầu tiêu dùng, thị trường điện máy vẫn còn phân mảnh là cơ hội cho một số công ty chiếm lĩnh thị trường… Và với tầm nhìn đó, Thế giới di động không chỉ làm chủ cửa hàng doanh thu trên chục tỷ đồng/tháng ở vị trí đắc địa của các tỉnh, thành phố mà đang còn tiến về vùng nông thôn. Đưa sản phẩm công nghệ cùng thương hiệu thế giới di động vào các cửa hàng nhỏ có sẵn ở vùng sâu vùng xa đang được thực hiện tại Long An là cách mà hệ thống bán lẻ này đang mở rộng, thống nhất thị phần.
Các số liệu thống kê khác cho thấy, Thế giới di động đang chiếm 25% thị phần bán lẻ điện thoại di động trong cả nước, 25% thuộc về các chuỗi cửa hàng khác và còn lại 50% là các cửa hàng nhỏ lẻ. Thống kê này và từ thực tế cho thấy, nếu biết ứng dụng hệ thống quản lý tốt, có khao khát chinh phục và chiến lược kinh doanh hữu hiệu thì từ một cửa hàng bán lẻ đầu tiên đến chuỗi hệ thống và khi tự tin bước vào sàn chứng khoán cũng không phải là điều chỉ Thế giới di động làm được.
BÁ TÂN