Thế giới đối phó dịch tả heo châu Phi

Đã có 20 quốc gia ghi nhận xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF), trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc. ASF là bệnh xuất huyết dễ lây lan ở heo mọi độ tuổi. Virus có độc lực cao, gây sốt cao, chán ăn, xuất huyết da và nội tạng. Tỷ lệ tử vong của heo nhiễm bệnh có thể lên tới 100%. Tuy nhiên, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ heo sang người.
Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi ở Ghana
Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi ở Ghana

Nguồn gốc và lịch sử lây lan của dịch

Virus ASFV (African swine fever virus - ASFV) là chủng virus tác nhân gây ra bệnh ASF. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ASF là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. ASFV là một virus ADN sợi kép, lớn, sao chép trong tế bào chất của tế bào bị nhiễm. ASFV lây nhiễm sang heo nhà cũng như heo rừng từ ve Ornithodoros - có khả năng hoạt động như vật trung gian truyền bệnh. ASFV là virus duy nhất được biết đến với bộ gen ADN sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt. Một số chủng của ASFV có thể gây chết heo nhanh trong một tuần sau khi nhiễm bệnh. ASFV là loài đặc hữu của châu Phi cận Sahara, tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm giữa ve và heo hoang. 

Năm 1921, ASF lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh tại nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên ASF được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Năm 2007, bệnh dịch tả heo châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Gruzia, trong đó có Armenia báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008. Loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ. 

Tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Tháng 8-2018, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang. Đến cuối tháng 2-2019, Trung Quốc có 110 ổ dịch tại 28 tỉnh và khu vực, nhiều ổ dịch nằm tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, ngay gần biên giới với Việt Nam. Thịt heo được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều tại các nước châu Á, nên gần như chắc chắn virus tả heo sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết dịch tả heo hiện không có vaccine và không thể chữa. Virus ASF có thể ẩn mình vài tháng trong thịt heo đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt heo đông lạnh. Các chuyên gia an toàn sinh học nhận định trong vòng một năm tới, có khả năng ASF sẽ lan tới Mỹ, đe dọa gây thiệt hại 22 tỷ USD/năm.

Kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc


Các nước tìm cách đối phó  

Theo ABC News, thịt heo bị dịch tả cũng đã được tìm thấy ở Australia vào tháng 1. Chính phủ Australia đã cảnh giác cao độ và đã khoanh vùng để kiểm tra chặt chẽ hàng hóa, nhất là thịt heo và các sản phẩm liên quan đến từ khu vực có nguy cơ cao. Thức ăn đông lạnh cho chó, thịt heo khô và tai heo khô cũng là một trong những nguồn gây dịch tả heo châu Phi. 

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách xóa bỏ tất cả các trang trại sân sau nhà, vì đó là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự lây lan của ASF, do chất thải được cho những con heo đó ăn. Là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này, mặc dù chỉ trong tuần đầu tháng 3 đã có thêm 2 đợt bùng phát mới dịch tả heo châu Phi. Nhà phân tích ngành công nghiệp thịt Simon Quilty cho biết, thông tin tốt nhất cho đến nay là Trung Quốc đã tiêu hủy 950.000 con heo và số liệu tồn kho của họ cho thấy tổng số đàn heo đã giảm 5%. Theo ông Quilty, có thực tế đã tồn tại qua nhiều thế hệ là rất đông người dân Trung Quốc nuôi heo tại nhà và cho chúng ăn chất thải. “Kỳ vọng của chúng tôi là, nếu họ xóa sổ ngành chăn nuôi heo ở sân sau nhà, ước tính là 130 triệu con, tức là 30% toàn bộ sản lượng heo của Trung Quốc sẽ bị xóa sổ, tương đương 17% sản lượng của thế giới”, ông Quilty nói. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt protein trên thế giới trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Đan Mạch cũng đã bắt đầu xây dựng hàng rào dài 70km, cao 1,5m dọc biên giới với Đức, để ngăn không cho heo hoang xâm nhập và lây lan dịch tả heo châu Phi. Ngành chăn nuôi heo tại Đan Mạch đóng vai trò quan trọng, bởi xuất khẩu thịt heo của quốc gia này riêng trong năm 2017 đã thu về 2,7 tỷ USD. Ông Jens Monk Ebbesen tại Hội đồng Thực phẩm và Nông nghiệp Đan Mạch cho biết, nguyên nhân khiến ASFcó thể lan truyền qua nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, Cộng hòa Czech, Hungary một phần do heo hoang ăn thực phẩm nhiễm virus dịch tả mà con người vứt đi. Ông Ebbesen nói: “Chúng tôi có rất ít heo rừng trong tự nhiên, khoảng 100 - 150 con, hầu hết trong số chúng di cư từ Đức vào Đan Mạch trong 10 năm qua hoặc lâu hơn”. Chi phí xây hàng rào sẽ tiêu tốn 10 triệu EUR và nông dân sẽ tài trợ 4 triệu EUR. Chính phủ Đan Mạch tài trợ trong 5 năm để bảo trì hàng rào. 

Tại Mỹ, Tetracore là công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học chuyên phát triển các bộ dụng cụ, xét nghiệm và thuốc thử cải tiến để phát hiện các bệnh truyền nhiễm, các tác nhân đe dọa chiến tranh sinh học và các dấu hiệu sinh học. Công ty tập trung vào các thuốc thử và công nghệ phát hiện dựa trên kháng thể và axit nucleic. Johnny Callahan, Giám đốc phát triển kinh doanh chẩn đoán thú y của Tetracore Inc., cho biết công ty này chuyển sang phát hiện ASF. Năm 2000, Tetracore đã phát triển một phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực mang tên rPCR để phát hiện nhiễm sắc thể (ADN) trong virus gây ASF trong các mẫu máu và mô heo. 

4 năm sau, Tetracore kết luận rằng xét nghiệm đã phát hiện ADN virus gây ASF trong các mẫu lấy từ heo sống, cho kết quả trước khi phát hiện các biểu hiện lâm sàng của heo từ 2 đến 4 ngày. Do đó, xét nghiệm sẽ có ứng dụng chẩn đoán tiền lâm sàng để xử trí khẩn cấp kịp thời. Trong năm 2007, Tetracore cũng đã tham gia xét nghiệm khoảng 2.500 mẫu thử ở Gruzia, trong đa số trường hợp phát hiện heo nhiễm virus dịch tả châu Phi 4 ngày trước khi heo có biểu hiện lâm sàng. Mặc dù hiệu quả của các thử nghiệm rPCR đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng ASF ở Gruzia, nhưng các hạn chế khắt khe tại Mỹ khiến Tetracore chưa được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép về rPCR. 

Chuyển đổi sang các loại thịt khác

Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nên chuyển đổi từ tiêu thụ thịt heo sang các loại thịt khác, nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Theo báo chí New Zealand, ASF là cơ hội để ngành xuất khẩu thịt bò của nước này phát triển. 

ASF hiện đang lan rộng khắp Trung Quốc và có khả năng thay đổi đáng kể hoạt động buôn bán thịt ở châu Á, ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu - theo báo cáo mới nhất của tạp chí thịt bò toàn cầu Rabobank nhận định. Việc sản xuất thịt heo Trung Quốc thấp hơn đáng kể sẽ tạo ra khoảng trống về nguồn cung, cần được lấp đầy bởi các loại thịt khác. Ông Blake Holgate, nhà phân tích protein động vật ở Rabobank, nhận định các nhà xuất khẩu thịt bò New Zealand có thể tận dụng lợi thế này. Sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 8 năm ngoái, báo cáo cho biết chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để chống lại sự lây lan của ASF, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới. Ông Holgate cho biết, hành động này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động buôn bán thịt không chính thức ở thời gian gần đây. “Trước ASF, nhập khẩu bò không chính thức chiếm một khối lượng lớn tổng nhập khẩu thịt, và do kết quả của việc kiểm soát biên giới mạnh mẽ hơn, chính phủ đã bắt giữ nhiều trường hợp buôn lậu thịt vào cuối năm 2018”. Báo cáo cho biết việc siết chặt buôn bán qua biên giới cũng đã ảnh hưởng đến giá trên tất cả các sản phẩm thịt của Trung Quốc. Theo Rabobank, mặc dù tăng 50% nhập khẩu thịt bò và tăng 1,5% sản xuất thịt bò trong nước năm 2018, giá thịt bò ở Trung Quốc đại lục vẫn tăng lên.

Chính sách nghiêm ngặt tại Trung Quốc dự kiến sẽ được tiếp tục trong nửa đầu năm 2019, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu thịt bò, như New Zealand - nước chỉ xuất khẩu thịt bò thông qua các kênh chính thức. Theo ông Holgate, trong quý 4-2018, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu sản phẩm thịt bò New Zealand lớn nhất. Ông Holgate thêm rằng, New Zealand và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại chính thức được thiết lập tốt, vì vậy New Zealand có thể đáp ứng nhu cầu bổ sung thịt bò từ Trung Quốc trong những tháng tới.

Hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi heo lớn tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để nhận diện sớm dịch. Truyền thông địa phương cho biết, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Alibaba và JD.com còn dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để giám sát sức khỏe của heo nuôi, phát hiện những triệu chứng bệnh và thay đổi trong hành vi của con vật. Một công ty có tên Yingzi Technology ở Trung Quốc đang tiên phong trong công nghệ nhận diện khuôn mặt heo, công ty tuyên bố có thể “cách mạng hóa” ngành công nghiệp thịt heo. Đây là một chiến lược mà ngành công nghiệp thịt heo của Australia cũng quan tâm, bởi vì công nghệ này có khả năng nhận ra heo bị bệnh từ lâu trước khi một người nông dân nhận thấy.

Tin cùng chuyên mục